Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp
BHG - Sáng 29.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.
Đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh |
Năm qua, ngành NN&PTNT triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Với sự chỉ đạo của T.Ư, bộ, ngành và các địa phương, sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, nông dân đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, phát triển kinh tế chung của cả nước. Năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) tăng 2,85 - 2,9%. Trong đó, nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng 3,85%, thủy sản tăng 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ nông sản trong nước mở rộng, các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng nhiều. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai.
Đối với tỉnh Hà Giang, NN&PTNT có những điểm sáng, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước đạt 13.880,4 tỷ đồng, tăng 8,65% so với năm 2020; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 421 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các nghị quyết về phát triển cây cam Sành, cải tạo vườn tạp, phát triển lâm nghiệp bền vững và sản phẩm hàng hóa đặc trưng chất lượng cao theo chuỗi giá trị đã đem lại thu nhập cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, do đó, toàn ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, phấn đấu đạt mức độ tăng trưởng (VA) toàn ngành tăng 2,8 - 2,9% và tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD.
Tin, ảnh: MỘC LAN