Góp ý báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị
BHG - Chiều 16.11, tại tỉnh Lào Cai, Ban Kinh tế T.Ư và tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37, ngày 1.7.2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển KT – XH và đảm bảo QP – AN vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Dự có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37; Đặng Xuân Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Lào Cai; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị ở tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Duy Bảo) |
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang dự tại tỉnh Lào Cai. Tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang |
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo giá hiện hành đạt trên 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,54% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người trong vùng tăng 6,77%/năm. Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn đạt 6,28%, cao nhất trong 6 vùng kinh tế. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đến nay, toàn vùng thành lập 30 khu công nghiệp; nông nghiệp hình thành và phát triển một số vùng cây hàng hóa; xuất khẩu tăng trưởng mạnh từ mức 3,3 tỷ USD năm 2013 lên 41,7 tỷ USD năm 2020. Du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 229,2 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH các địa phương...
Điểm cầu Hà Giang. |
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và bao trùm trên cơ sở bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; phát triển lâm nghiệp bền vững; khai thác và dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường và an ninh sinh thái; đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống đô thị; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, thủ đô Hà Nội; phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phấn đấu một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; QP – AN được đảm bảo vững chắc; hệ thống Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Tại hội nghị, các ý kiến góp ý cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo; đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung và chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp đạt mục tiêu đặt ra, như: Cần có cơ chế đặc thù để thúc đẩy KT – XH vùng, trong đó quan tâm phát triển lâm nghiệp, chi trả dịch vụ môi trường rừng; cần bố trí nguồn lực xây dựng nhiều tuyến đường chất lượng để kết nối ngang với các tuyến cao tốc và kết nối với các địa phương trong vùng; cần phát triển sản phẩm du lịch có tính chất vùng và kết nối với vùng lân cận để mở rộng không gian văn hóa; có chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sắp xếp, ổn định dân cư; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; sớm quy hoạch vùng một cách đồng bộ và ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu; quan tâm công nghiệp chế biến; xây dựng các trung tâm logistics…
Tham gia ý kiến tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng báo cáo cần đánh giá thêm về hạn chế của tính liên kết nội vùng; hạn chế về phong tục, tập quán lạc hậu. Đối với các giải pháp, trên cơ sở liên kết vùng cần quan tâm đến giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng quy hoạch vùng; đẩy mạnh liên kết trong nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, dược liệu; chú trọng an sinh xã hội; đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động; tăng cường liên kết hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ liên tỉnh; tạo sinh kế cho người dân; huy động nguồn lực xã hội hóa để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu mở mô hình phân hiệu Trường Đại học Thái Nguyên; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào thế mạnh du lịch; phát triển kinh tế biên mậu làm căn cứ đảm bảo QP - AN; phát triển KT – XH gắn với đảm bảo QP – AN; quản lý tốt biên giới, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo trật tự xã hội. Đồng thời, kiến nghị cần có chính sách đặc thù đủ mạnh để tạo đột phá nâng cao đời sống người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền; Ban Kinh tế T.Ư sớm ban hành Nghị quyết và chính sách tổng thể để làm căn cứ thực hiện…
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp vào báo cáo cũng như kiến nghị, đề xuất tại hội thảo. Mong muốn, các địa phương có văn bản chính thức để làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị.
Tin, ảnh: Kim Tiến