Đoàn ĐBQH tỉnh ta chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tạo tại Kỳ họp Quốc hội
BHG - Sáng 11.11, tiếp tục chương trình chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn 2 vấn đề.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh nêu các vấn đề chất vấn. ảnh: Minh Đông (TTXVN) |
Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, giáo dục, đào tạo qua mạng là sản phẩm và kết quả của thời đại hội nhập từ cuối thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như mạng Internet. Vào những năm đầu thế kỷ XXI và đặc biệt kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 thì giáo dục, đào tạo qua mạng càng thể hiện rõ và phát triển mạnh hơn. Xu thế phát triển các tổ chức giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học theo một mô thức mới: không tập trung, bất kỳ người học ở đâu, lứa tuổi như thế nào, điều kiện thời gian ra sao đều có thể học qua mạng... Hình thức học qua mạng ngày càng phát triển. Đại biểu đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: Bộ đã có giải pháp gì cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục đào tạo qua mạng trong thời gian tới? Đặc biệt là trong điều kiện bình thường mới hiện nay?
Thứ hai, trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ về nội dung này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời phần chất vấn của đại biểu Phạm Thúy Chinh |
Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Việc phát triển hoạt động đào tạo qua mạng Internet đã được triển khai ở các cấp độ, các quy mô, các hoạt động trong suốt thời gian qua như các chương trình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến chúng ta đang thấy hiện nay. Tương lai thế giới đã đặt ra vấn đề về một loại hình trường đại học ảo. Bộ nhận định, đây là tất yếu mà quá trình chuyển đổi số của cả thế giới và công nghệ đào tạo của thế giới sẽ hướng đến. Bộ đang bắt tay vào các công việc chuẩn bị về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực và các mô hình thí điểm cũng đang được tính đến; chắc chắn đây sẽ là công việc của tương lai nhưng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với câu hỏi về việc thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học ở các tỉnh khu vực miền núi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là một thực tế, nhiều tỉnh có chính sách khá ưu đãi, thu hút nhưng để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy hai môn tin học và ngoại ngữ ở các tỉnh, các khu vực miền núi đang là vấn đề rất khó khăn. Hiện nay Bộ đã và đang đề ra một số các giải pháp như tăng các chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học ở các khu vực có cung cấp nguồn nhân lực của các tỉnh, khu vực miền núi; đối với các tỉnh sẽ tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng tại chỗ cũng như thu hút, nhưng điều này phải tính đến nhiều yếu tố. Bởi vì rất nhiều những giáo viên dạy hai môn học này có cơ hội việc làm ở các vùng miền khác rộng mở hơn. Cho nên họ cũng có phần ngại lên các tỉnh vùng sâu, vùng xa, nhất là các giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học. Cũng có một giải pháp mà chúng ta phải tính đến là việc xây dựng các bài giảng E-Learning để học sinh vùng miền núi thiếu giáo viên nhưng có thể học các bài giảng qua Internet. Giáo viên chỉ cần chuẩn bị để hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát. Chuyển đổi số, tận dụng mạng Internet cũng là một trong các giải pháp góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tin học và ngoại ngữ cho các tỉnh miền núi và các tỉnh vùng sâu, vùng xa…
Duy Tuấn (tổng hợp)