Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, hồi đầu tháng 10. |
Quy định mới giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII.
Ở quy định cũ, điều 9 nghiêm cấm đảng viên báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia rửa tiền.
Còn trong quy định mới, Trung ương bổ sung một số hành vi nghiêm cấm. Đó là "không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định".
Các hành vi khác được bổ sung vào những điều đảng viên không được làm còn có: Không được "đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý"; không được "có hành vi chạy chức chạy quyền", "tham ô" hay "thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội"...
Có hai điều cấm mới hoàn toàn, đó là điều 3, quy định đảng viên không được "phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng".
Điều 13 cấm đảng viên "can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác".
Bên cạnh đó, điều 11 quy định 37 bổ sung nội dung đảng viên không được "lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
So với quy định cũ, Quy định 37 thay đổi thứ tự một số điều không được làm. Như điều cấm ở vị trí số 2 là không "cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước" được xếp vị trí thứ tư.
Quy định đảng viên không được "không chấp hành" hay không được "tự ứng cử, nhận đề cử" khi chưa được tổ chức Đảng có thẩm quyền cho phép được đưa từ vị trí thứ bảy lên thứ hai.
Đa số nội dung vẫn được kế thừa quy định cũ như đảng viên không được can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý; không được tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí hoặc nhằm vụ lợi...
Đảng viên vi phạm quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm có hiệu lực kể từ ngày 25/10.
Trước đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) thống nhất ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Phát biểu bế mạc ngày 7/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đã bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy định này theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc