Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 26.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh ta tham gia góp ý một số nội dung.
Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh ta nhận định việc xây dựng, ban hành Luật CSCĐ là cần thiết, nhằm cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CAND, trong đó có lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại, phục vụ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia. Các đại biểu tham gia góp ý một số nội dung như: Tại Điều 9 của dự án Luật, quy định về nhiệm vụ của CSCĐ, tuy nhiên chưa quy định cụ thể phạm vi hoạt động. Các đại biểu kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của CSCĐ để không xảy ra chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị CSCĐ và giữa CSCĐ với các lực lượng khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận trực tuyến về dự án Luật CSCĐ. |
Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng CSCĐ đối với nhiệm vụ “tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ”, bảo đảm phù hợp với tính chất vũ trang chiến đấu của CSCĐ. Làm rõ việc quy định quyền hạn cho CSCĐ tại Khoản 3, Điều 10 của dự án Luật. Bổ sung quy định cụ thể về phạm vi phối hợp giữa CSCĐ với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng liên quan và chính quyền địa phương tại Điều 19 nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, địa phương, mặt khác tạo hành lang pháp lý để lực lượng CSCĐ thực hiện công tác phối hợp.
Tại Điều 13 quy định về mô hình tổ chức CSCĐ, dự án Luật đề xuất 2 phương án. Qua nghiên cứu, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với phương án 1, quy định hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an Nhân dân năm 2018. Không nhất thiết phải quy định rõ về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ. Việc quy định cụ thể cơ cấu lực lượng được thực hiện tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của CSCĐ, bảo đảm tính linh hoạt trong việc xây dựng, hoàn thiện mô hình CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc