Hội thảo góp ý vào dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
BHG - Chiều 27.10, Bộ Nông nghiệp&PTNT tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý vào dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT chủ trì hội thảo. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hoàng Hải Lý, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT; các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở.
Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến của Bộ Nông nghiệp&PTNT tại điểm cầu của tỉnh |
Thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước với quy mô ngày càng mở rộng, tăng trưởng cao, tạo ra giá trị lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển, ngư trường; chú trọng công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao thu nhập của ngư dân hướng đến phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững, góp phần đảm bảo AN - QP biển, đảo. Giai đoạn 2010 - 2020, tổng số tàu cá cả nước có xu hướng giảm từ 128.449 chiếc xuống còn 94.572 chiếc; tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 2,41 triệu tấn năm 2010 lên tới 3,86 triệu tấn năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu khai thác thủy sản đạt 3,4 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 552 nghìn lao động trên biển và khoảng 4 triệu lao động dịch vụ nghề cá. Đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ngư dân được nâng cao, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, an ninh dinh dưỡng và phát triển kinh tế. Bên cạnh những thành tựu đạt được, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Áp lực khai thác thủy sản ngày càng lớn, sản lượng khai thác qua các năm không ngừng tăng lên; cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, đặc biệt là các loại nghề cấm, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao đã tạo ra áp lực vô cùng lớn đối với công tác quản lý ngành.
Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích vùng biển, ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn hướng đến đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; 3 - 4% diện tích mặt nước vùng nội địa là khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; 4 - 5% diện tích mặt nước vùng nội địa là khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn. Tổng sản lượng khai thác thủy sản giảm xuống còn 2,8 triệu tấn; trong đó khai thác vùng nội địa 0,15 triệu tấn, khai thác vùng biển 2,65 triệu tấn…
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến của các địa phương đóng góp, bổ sung vào dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung về cơ chế, chính sách và giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ QP - AN trên các vùng biển, hải đảo.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc