Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý kiến vào dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
BHG - Chiều 21.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Quốc hội chia tổ thảo luận về 2 dự án luật này. Tổ thảo luận của Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chủ trì tham gia nhiều ý kiến.
Đoàn ĐBQH tỉnh ta thảo luận tổ |
Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh ta cơ bản nhất trí cao sự cần thiết phải xây dựng, điều chỉnh các dự án luật để phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu tham gia góp ý một số nội dung như: Đề nghị đảo vị trí cụm từ “tuần tra kiểm soát, canh gác bảo vệ” trong Điều 2 phù hợp nội dung, ý nghĩa quy định trong điều luật. Cần điều chỉnh nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo tại Điều 3 dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật khác. Sửa đổi lại nội dung khoản 1, Điều 17 cho phù hợp, theo hướng triển khai quy định của Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng Việt Nam về việc Quân đội chủ trì phối hợp với Công an nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự; an toàn xã hội và công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới và trên biển.
Các đại biểu cũng phân tích, trong Khoản 2, Điều 21 dự thảo Luật quy định Cảnh sát cơ động được trang bị “...tàu bay, tầu thuyền... ”, đây là một chính sách rất lớn của dự thảo Luật, nhưng trong hồ sơ dự án Luật không có báo cáo đánh giá tác động. Do vậy, việc phải trang bị tàu bay, tầu thuyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động là không cần thiết. Ngoài ra, đối với phạm vi không gian hoạt động của Cảnh sát cơ động và kỹ thuật lập pháp, dự thảo Luật không xác định rõ dẫn đến quy định chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác đã được pháp luật hiện hành quy định; cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ nội dung này để điều chỉnh cho phù hợp…
Đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Đoàn ĐBQH tỉnh ta đề nghị: Tại điểm B, khoản 1, Điều 1, bỏ cụm từ “với số lượng bản sao hợp lý”. Tại điểm L, Khoản 1, Điều 1 sửa đổi, bổ sung cho phù hợp là: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được đại bộ phận công chúng có liên quan biết đến và được cơ quan có thẩm quyền công nhận”. Tại Khoản 4, Điều 19 đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn nội dung để đảm bảo tính khả thi, thuận tiện trong quá trình áp dụng, thi hành Luật. Tại Khoản 2, Điều 1 đề nghị bỏ cụm từ “các quyền lợi vật chất khác (nếu có)”. Cần xem lại khái niệm quy định tại khoản 7, Điều 1: “Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác”; cần bổ sung thêm câu, từ cụ thể để làm câu rõ nghĩa và nội hàm. Làm rõ các cụm từ quy định tại Khoản 8, Điều 1, như: “sao chụp hợp lý một phần tác phẩm”, “sử dụng hợp lý tác phẩm, “trích dẫn hợp lý tác phẩm” để làm rõ mức độ, thuận tiện và thống nhất trong quá trình áp dụng.
Các đại biểu cũng kiến nghị bổ sung thêm quy định người được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ được ký vào tờ khai trong Khoản 25, Điều 1 về hồ sơ đăng ký quyền tác gỉả. Trong Khoản 29, Điều 1, (dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ), đề nghị bỏ điểm h khoản 3 Điều 56. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét và chỉnh sửa lại câu từ cho rõ nghĩa quy định tại Khoản 30, Điều 1. Bổ sung quy định cụ thể hơn đối với khái niệm về “văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực” và Quy định về “từ chối cấp văn bằng bảo hộ”. Nên giữ nguyên điểm b, điểm c, Khoản 1 Điều 51 như quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành để định nghĩa về loại hình dịch vụ sở hữu công nghiệp vừa đúng bản chất, vừa có phạm vi rộng bao quát và xuyên suốt…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc