Niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đưa Hà Giang vươn lên

16:23, 19/08/2021

BHG - Cách mạng Tháng Tám – 1945 thành công, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng do điều kiện đặc thù ở nhiều địa phương, như tại Hà Giang, phải đến ngày 25.12.1945, Xứ ủy Bắc kỳ mới ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh. Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã trở thành trung tâm, phát huy vai trò lãnh đạo, đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân cho mục tiêu xây dựng đời sống mới theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn bàn giao nhà cho cựu chiến binh Sèn Khái Chỉ, thôn Mý, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Ảnh: Tư liệu
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn bàn giao nhà cho cựu chiến binh Sèn Khái Chỉ, thôn Mý, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Ảnh: Tư liệu

Trong điều kiện khi Đảng bộ tỉnh mới thành lập, tất cả đều rất khó khăn. Với 5 đồng chí đảng viên ban đầu do Xứ ủy Bắc kỳ cử lên, đồng chí Hồng Quân khi đó 30 tuổi, là người Việt Trì, Phú Thọ, được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đầu tiên. Dù Bí thư Tỉnh ủy và các đảng viên khi đó còn trẻ tuổi và trong những ngày mới thành lập với những nhiệm vụ đầu tiên rất khó khăn, nhưng thành quả lãnh đạo của Đảng bộ lại không hề nhỏ.

Năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, Đảng bộ Hà Giang đã bước vào thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Hồ Chủ tịch kêu gọi nhằm thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài uy hiếp. Đó là những nhiệm vụ: Đoàn kết dân tộc, chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; tiến hành củng cố chính quyền cách mạng, tiến lên xây dựng chế độ mới trong điều kiện Hà Giang là một địa phương có rất nhiều nhiệm vụ có tính chất đặc thù, trong tỉnh vẫn còn có những địa bàn chưa được giải phóng hoàn toàn; tàn dư của chế độ cũ vẫn còn nặng nề, cản trở không nhỏ đến sự vươn lên của địa phương. 

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp lực lượng, xây dựng và mở rộng tổ chức cơ sở; xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến cuối năm 1946, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, phát triển thành Đảng bộ có 49 đảng viên, sinh hoạt ở 2 chi bộ và 1 tổ Đảng. Đảng bộ dần lớn mạnh, đi cùng với đó là những nhiệm vụ lãnh đạo các phong trào của tỉnh, góp sức cùng cả nước cùng xây dựng đời sống mới, góp sức để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu tháng 5.1954. 

Tiếp đó, trong giai đoạn cùng miền Bắc xây dựng CNXH, chung sức giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc 1954 – 1975, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã phát huy sức mạnh đoàn kết, lãnh đạo củng cố chính quyền, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa. Đây là một giai đoạn có thể coi là rất khó khăn, Đảng bộ tỉnh không những thực hiện tốt vai trò củng cố, xây dựng nền tảng KT – XH ở địa phương, tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện các bước đột phá về phát triển hệ thống giao thông đến các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh, mà còn sẵn sàng chiến đấu và làm tròn nghĩa vụ hậu phương, chi viện để giải phóng miền Nam. Chiến thắng 30.4.1975 là chiến thắng của cả dân tộc, trong đó có đóng góp quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Hà Giang. 

Thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong đó có tuyến biên giới Hà Giang, giai đoạn 1979 - 1989, Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên sáp nhập từ 2 Đảng bộ Hà Giang – Tuyên Quang đã lãnh đạo quân, dân Hà Tuyên chiến đấu anh dũng, kiên cường, trở thành thành đồng vững chắc của Tổ quốc.

Trong giai đoạn cả nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, Hà Giang là nơi thoát ra khỏi chiến tranh muộn nhất. Nhưng trong suốt quá trình 35 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, ổn định tư tưởng, đời sống nhân dân; đảm bảo an ninh lương thực; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới, chủ quyền quốc gia. Một trong những điểm nhấn thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng bộ từ những năm 1998 đến nay, đó là vấn đề an sinh xã hội. Đảng bộ đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tập hợp các nguồn lực xã hội cho mục tiêu an sinh, đặc biệt là an sinh ở những vùng địa bàn biên giới, 30a. Từ đó đến nay, Hà Giang được coi là một trong những tỉnh khó khăn, nhưng đã có hệ thống điện, đường, trường, trạm tương đối đồng bộ. Việc huy động hỗ trợ xây dựng trên 5.000 ngôi nhà ở cho các đối tượng khó khăn từ giữa năm 2019 đến nay cho thấy, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt Tám lời Bác dạy trong việc chăm lo đời sống nhân dân. 

Đặc biệt nhất trong khoảng 10 năm qua, đó là chúng ta phát triển mạnh việc khai thác các tiềm năng, lợi thế, các giá trị di sản của địa phương cho mục tiêu phát triển du lịch – dịch vụ. Hà Giang giờ đã trở thành điểm đến cực kỳ nổi bật và có thương hiệu trong cả nước. Tất cả đều hướng đến việc cải thiện đời sống cho nhân dân, đưa Hà Giang hòa nhập nhanh vào dòng chảy KT – XH của đất nước. 

Trong điều kiện cả nước đang bước vào cuộc Cách mạng 4.0, thật bất ngờ khi Hà Giang có những bước đột phá mạnh về công nghệ thông tin, chuyển đổi số với chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá cao; là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng hệ thống truyền hình trực tuyến, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với mục tiêu khai thác lợi thế, giảm bớt khó khăn, mang đến những sự phát triển hiệu quả cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Tất cả thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thông qua các đổi mới, đột phá, được Nghị quyết Đại hội XVI và XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra. 

Hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc với trên 71.300 đảng viên. Đảng bộ luôn quan tâm đặc biệt đến việc củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới, đột phá mà Đảng bộ đề ra trong thời gian tới. Nhìn lại các thời kỳ, có thể thấy ở thời kỳ nào cũng là những thử thách rất lớn. Và để bắt nhịp vào sự phát triển chung của miền Bắc và cả nước, nếu như các tỉnh miền xuôi phải cố gắng một thì Hà Giang phải cố gắng bằng hai lần. Từ đó, cho thấy Đảng bộ tỉnh luôn xứng đáng với vai trò lãnh đạo. Đó cũng chính là niềm tin cho hành trình đưa Hà Giang tiếp tục vươn lên trên con đường đổi mới và phát triển. 

HUY BA


Cùng chuyên mục

Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

BHG - Sáng 19.8, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Đến dự có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố...

19/08/2021
Hồ Chí Minh với việc chỉ đạo Cách mạng tháng Tám

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám - 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam mới là một trong những thắng lợi nổi bật, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc. Thắng lợi đó gắn liền trực tiếp với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

19/08/2021
Sức sống trường tồn của Cách mạng tháng Tám với dân tộc Việt Nam

Dòng chảy truyền thống, hào khí anh hùng của Cách mạng tháng Tám mãi nhịp bước cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công (19/8/1945-19/8/2021) - trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của nhân dân Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

19/08/2021
Thành ủy Hà Giang quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII và các quy định, kết luận của Đảng

BHG - Ngày 18.8, Thành ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII và các quy định, kết luận của Đảng bằng hình thức trực tuyến đến điểm cầu các xã, phường. Tham dự tại điểm cầu thành phố có đại diện Thường trực Thành ủy, lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội...

19/08/2021