Tuyên truyền đa dạng, sinh động và sáng tạo về bầu cử
BHG - Đa dạng, sinh động, sáng tạo, thường xuyên, đậm nét… là giải pháp mà các cấp, ngành thực hiện tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Bầu cử) với mục tiêu tất cả cử tri đều hiểu rõ, hiểu đúng và tham gia đi bầu; phát huy quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đức đại điện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Phóng viên Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử tỉnh về công tác tuyên truyền, không khí, dư luận nhân dân trong tỉnh đối với cuộc bầu cử.
Phóng viên: Thưa đồng chí, góp phần vào thành công Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, công tác tuyên truyền về bầu cử trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?
Đồng chí Vũ Mạnh Hà: Thực hiện Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 169 của Ban Tuyên giáo Trung ương, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 03-KH/TU ngày 4.11.2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 38-KH/TU ngày 4.2.2021 về tuyên truyền cuộc bầu cử, Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử ban hành các kế hoạch, văn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thành lập các đoàn kiểm tra tại các huyện, thành phố. Các địa phương chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện tuyên truyền về bầu cử đảm bảo thời gian, tiến độ, bài bản, khoa học, đồng bộ đến thôn, bản, tổ dân phố. Công tác tuyên truyền được chia thành 3 đợt: Đợt 1 từ tháng 1 - 20.4.2021; đợt 2 tuyên truyền cao điểm từ 20.4 - 23.5.2021; đợt 3 tuyên truyền sau ngày bầu cử. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, sinh động, trong đó chú trọng tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; biên soạn phát hành tài liệu, tờ gấp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; cổ động trực quan; thực hiện các bản tin phát thanh về bầu cử bằng tiếng dân tộc thiểu số; sử dụng loa phát thanh di động; lồng ghép tại các hội nghị. Cán bộ các thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền người dân đi bầu cử đúng thời gian. Các địa phương phát động phong trào thi đua chào mừng bầu cử thông qua việc triển khai các công trình, phần việc chào mừng. Đặc biệt, tỉnh ta đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam chuẩn bị chu đáo, thực hiện thành công cầu truyền hình trực tiếp về cuộc bầu cử tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Trong chuyến thăm, làm việc và kiểm tra công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh trước ngày bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ đã rất ấn tượng và đánh giá cao công tác tuyên truyền về bầu cử của tỉnh, đặc biệt là tuyên truyền, cổ động bằng trực quan rất sinh động, sáng tạo, tạo không khí phấn khởi, tươi vui trong toàn Đảng bộ.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại huyện Yên Minh. Ảnh: PV |
Nội dung tuyên truyền về bầu cử tập trung vào các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; ý nghĩa, trách nhiệm của cử tri tham gia cuộc bầu cử; công tác chuẩn bị bầu cử; tâm tư, nguyện vọng, niềm tin của cử tri tại các địa phương; chương trình hành động của các ứng cử viên… Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới nắm bắt kịp thời các nội dung về bầu cử; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, tham gia bầu cử đúng thời gian; sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Đoàn xe diễu hành tuyên truyền bầu cử tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Giang. Ảnh: TRẦN KẾ |
Phóng viên: Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp trên địa bàn tỉnh. Xin đồng chí cho biết dư luận của nhân dân trong tỉnh về cuộc bầu cử như thế nào?
Đồng chí Vũ Mạnh Hà: Để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ cho cuộc bầu cử, các địa phương đã niêm yết danh sách chính thức, tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026; Ủy ban MTTQ phối hợp tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử… Qua đó, giúp cử tri nắm đầy đủ thông tin về các ứng cử viên; phân tích, đánh giá, nhận xét, tín nhiệm và gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và sự tin tưởng của mình vào các ứng cử viên. Qua công tác nắm bắt dư luận xã hội, có thể thấy cử tri trong tỉnh rất phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào kết quả cuộc bầu cử. Cử tri và nhân dân trong tỉnh mong muốn Quốc hội, HĐND các cấp, các đại biểu sẽ quan tâm, lắng nghe, sâu sát cơ sở, thực hiện tốt lời hứa của mình trước cử tri; chăm lo cho đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần thúc đẩy KT-XH Hà Giang phát triển; giữ vững QP-AN, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Tuyên truyền viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Đồng Văn tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Mông tại thôn Lao Xa, xã Sủng Là. Ảnh: TRIỆU NGHỊ |
Phóng viên: Bảo vệ thành quả cuộc bầu cử, đấu tranh chống lại những âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có những giải pháp cụ thể như thế nào?
Đồng chí Vũ Mạnh Hà: Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Bên cạnh sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, đúng quy định thì các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị cũng luôn có nhiều hoạt động chống phá cuộc bầu cử bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên không gian mạng. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cuộc bầu cử; đấu tranh chống lại những âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nhận diện các hoạt động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục nên cần phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng để người dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tính tất yếu sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển của đất nước nói chung và cuộc bầu cử nói riêng. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, khả năng nhận diện và “miễn dịch” đối với thông tin xấu, độc, xuyên tạc về bầu cử. Các cấp, ngành chủ động thực hiện công tác nắm bắt tình hình từ xa, dự báo kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, internet; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các đối tượng đăng tải các tin, bài, clip có nội dung xấu, độc hại, trái với đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
BIỆN LUÂN (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc