75 năm, Đảng bộ tỉnh Hà Giang vượt khó dựng xây miền "đá nở hoa" - Bài 2: Những dấu ấn của Đảng bộ trong hành trình thực hiện lời Bác dạy, vượt lên gian khó

14:24, 24/12/2020

BHG - Có thể nói, hành trình lịch sử 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh là một hành trình vượt khó đầy tự hào. Ngay sau khi Đảng bộ được thành lập (25.12.1945), không chỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền mà còn phải đối mặt, giải quyết những vấn đề như sự nổi dậy của giặc “Cờ trắng” năm 1947, tập trung giải phóng những địa bàn còn lại đang bị khống chế bởi bọn thổ ty, tay sai của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh tiễu trừ phỉ đầy gian nan những năm cuối thập kỷ 40, đầu thập kỷ 50, 60. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, nhưng với Hà Giang còn có những cuộc chiến đầy gian khổ khác.

Bác Hồ trong lần lên thăm Hà Giang năm 1961
Bác Hồ trong lần lên thăm Hà Giang năm 1961. ảnh: TL

Năm 1961, Bác Hồ lên thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang, Người đã căn dặn 8 điều hết sức sâu sắc. Những lời dạy của Người không chỉ có ý nghĩa quan trọng ở thời điểm đó mà còn mang tầm nhìn rộng cho tương lai phát triển của Hà Giang. Nhìn lại 75 năm qua và thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch, một trong những dấu ấn có tính cách mạng của Đảng bộ tỉnh Hà Giang, đó là việc mở các tuyến đường ô tô lên phía Bắc, sang phía Tây và hệ thống giao thông đầy kỳ tích trong tỉnh. Hà Giang là nơi có địa hình chia cắt mạnh, rất khó để phát triển giao thông, trước khi Đảng bộ tỉnh ra đời đến cuối thập kỷ 50, toàn tỉnh cơ bản chỉ có tuyến Quốc lộ 2 từ Tuyên Quang lên thị xã Hà Giang là đường xe ô tô, còn lại hầu hết là đường ngựa thồ.

Thanh niên xung phong và nhân dân mở đường Hạnh Phúc
Thanh niên xung phong và nhân dân mở đường Hạnh Phúc

Năm 1959, cuộc trường chinh mở đường Hạnh Phúc dài trên 185km xuyên Cao nguyên đá được khởi đầu từ thị xã Hà Giang. Quá trình mở đường là ý chí kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang cùng sự góp sức của thanh niên xung phong nhiều tỉnh bạn. Con đường không chỉ xuyên vào đá mà còn xuyên vào tàn tích của thổ ty trên Cao nguyên đá, tiêu diệt những tên phỉ cuối cùng ở Hà Giang. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tuyên - Phạm Đình Dy khi còn sống đã khẳng định với chúng tôi, “công lao lớn nhất xây dựng con đường Hạnh Phúc trên Cao nguyên đá là thuộc về nhân dân”. Nhưng, để có đường ô tô đầy hy sinh gian khổ lên phía Bắc, sang phía Tây, đầu tiên là ý chí quyết tâm, sáng tạo của Đảng bộ và đặc biệt phải kể đến những cá nhân như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã, Phạm Đình Dy... Sau con đường Hạnh Phúc, với quyết tâm và ý chí của Đảng bộ, những công trình lớn gồm đường từ Bắc Quang đi các huyện phía Tây, đường biên giới Thanh Thủy, đường vào huyện Bắc Mê lần lượt được mở. Như lời Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Dy từng tâm sự, ông và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xã đã từng trải qua biết bao trăn trở, đích thân lặn lội đèo suối khảo sát thực tế để thực hiện cho được mục tiêu “phải có đường thì Hà Giang mới phát triển được”.

Tấm bia đá ghi lại các số liệu lịch sử của con đường Hạnh Phúc (thị trấn Mèo Vạc)
Tấm bia đá ghi lại các số liệu lịch sử của con đường Hạnh Phúc được đặt tại thị trấn Mèo Vạc.

Lịch sử mở đường với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh thực sự là một cuộc cách mạng về giao thông, thực hiện tốt 8 lời căn dặn của Bác Hồ với Hà Giang khi Người lên thăm năm 1961. Để từ đó đến nay, thành quả là những con đường kỳ tích lên phía Bắc, sang phía Tây và hệ thống giao thông cơ sở thêu dệt trên núi mà nhiều người vẫn gọi là “đặc sản” Hà Giang, “là con đường ý Đảng lòng dân” nơi cực Bắc Tổ quốc.

Cùng với mở đường, hành trình chống “giặc dốt” ở Hà Giang đầy gian nan. Nếu như với cả nước, cuộc chiến chống “giặc dốt” được thực hiện từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì ở Hà Giang, cuộc chiến này dai dẳng, bởi đặc thù của một tỉnh đa dân tộc, biên giới, miền núi, mặt bằng KT – XH luôn đứng cuối cả nước. Khó khăn hơn khi sự phát triển của Hà Giang luôn bị gián đoạn bởi chiến tranh, nhiều cuộc tiễu phỉ. Vì thế, phong trào “diệt giặc dốt” những năm 40, 50, “ánh sáng văn hóa” những năm 60 của thế kỷ trước mới chỉ là thành công bước đầu. Qua nhiều thời kỳ, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đặc biệt đến nâng cao dân trí. Đặc biệt nhất là việc hoàn thành Chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cuối thế kỷ XX và phổ cập THCS những năm đầu thế kỷ 21. Sự nghiệp giáo dục Hà Giang hiện đang tiếp tục vượt khó để hòa nhập với cả nước.

Những nỗ lực “diệt giặc đói nghèo” trong hành trình 75 năm qua có thể được coi là bản hùng ca của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Hà Giang luôn được coi là nơi khó khăn nhất cả nước, gần như tất cả những bất lợi cho sản xuất, đời sống đều dành hết cho Hà Giang vậy. Nhưng vượt lên qua từng giai đoạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, từ những năm 50 của thế kỷ trước, với số đảng viên chưa nhiều, đến năm 1958, toàn Đảng bộ có 1.321 đảng viên, trong đó số đảng viên ở khu vực nông thôn chiếm đa số, trở thành đầu tầu phát triển KT – XH ở địa phương. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên ở Hà Giang luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện cải cách ruộng đất, phát triển các hợp tác xã, thực hiện nhiều phong trào, mô hình phát triển kinh tế. Đặc biệt là nỗ lực xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp với vùng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đặc biệt giảm mạnh khoảng 10 năm qua, đến năm 2020 chỉ còn 22,53%.

Hành trình “chống giặc ngoại xâm” của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Hà Giang là một hành trình đầy hy sinh và anh hùng. Hà Giang đã góp sức người, sức của để làm nên chiến thắng trong tất cả các cuộc chống ngoại xâm thế kỷ 20 do Đảng lãnh đạo. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ từng gửi thư khen về thành tích tham gia và ủng hộ kháng chiến của đồng bào Hà Giang. Năm 1961 lên thăm, Người biểu dương công lao đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào Hà Giang. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Giang với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để góp phần cùng cả dân tộc làm lên đại thắng mùa Xuân 1975. Những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên gới phía Bắc Tổ quốc kéo dài từ cuối thập kỷ 70 đến gần cuối thập kỷ 80, Hà Giang và Tuyên Quang hòa chung làm một (1976 – 1991), trở thành thành đồng của Tổ quốc. Năm 1985, Đảng, Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho quân dân Hà Tuyên, quân dân các huyện Vị Xuyên, Yên Minh, các xã Bạch Đích, Phú Lũng, Tả Ván, Đồn Biên phòng Bạch Đích và cá nhân liệt sỹ Nguyễn Hồng Cao. HTX Nông nghiệp Bạch Đích được trao Danh hiệu Anh hùng Lao động…  

Những năm tháng sau tái lập tỉnh năm 1991, Đảng bộ tỉnh Hà Giang thực sự đối mặt với khó khăn, thử thách bản lĩnh. Là địa phương thoát ra khỏi chiến tranh muộn nhất nước, hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề. Hậu khủng hoảng kinh tế của đất nước cùng với những ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tác động mạnh đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong khó khăn đó, công cuộc đổi mới của Đảng được đề ra năm 1986 chính là động lực để Đảng bộ phát huy truyền thống đoàn kết, anh hùng, cùng với cả nước kiên định con đường đi lên CNXH. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ nơi cực Bắc Tổ quốc.

Qua hành trình 75 năm, ngọn lửa và ý chí cách mạng luôn được Đảng bộ tỉnh gìn giữ. Lớp lớp cán bộ, đảng viên được tăng cường về cơ sở với tinh thần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Hình ảnh cán bộ, đảng viên là những giáo viên cắm bản, những cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang bám biên cương, làm tốt công tác dân vận, kêu gọi đồng bào hạ sơn phát triển kinh tế, di dân tránh vùng nguy cơ thiên tai, xây dựng các mô hình kinh tế, đấu tranh với âm mưu chống phá của thế lực thù địch. Đặc biệt trong thời gian qua là hình ảnh các lực lượng y bác sỹ, các chiến sỹ quân đội, công an... của tỉnh đã ngày đêm gian khổ, quên mình trong cuộc chiến chống Covid-19, cho thấy Đảng và nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc đã cùng chung ý chí vượt qua khó khăn, thử thách để trưởng thành.

Sau 75 năm ra đời, từ 1 chi bộ ban đầu năm 1945, đến năm 2020, Đảng bộ tỉnh có 15 Đảng bộ trực thuộc với 782 tổ chức cơ sở Đảng và trên 70.197 đảng viên. Phấn khởi trao đổi với các nhà báo trong cuộc họp báo dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII năm 2020, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức – Nội vụ tỉnh, cho biết: Với 80% dân số sống ở vùng nông thôn và là tỉnh đa dân tộc, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trải qua các thời kỳ, thực hiện lời Hồ Chủ tịch dạy với Hà Giang, trong đó đặc biệt là công tác cán bộ, phát triển và củng cố lực lượng đảng viên, tổ chức Đảng, công tác phát triển đảng viên, củng cố và nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ đặc biệt gắn với phát triển KT – XH; đảm bảo phát triển đảng viên số lượng gắn với chất lượng, với hiệu quả phát triển KT - XH và mọi mặt đời sống xã hội ở các địa phương. Qua đó khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn thực hiện tốt tám lời Bác Hồ dạy. 

(Còn nữa)

Huy Toán

Bài 3: 75 năm vẻ vang trên miền “đá nở hoa”

[links()]


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ban Chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp từ ngày 14/12/2020 đến ngày 18/12/2020 tại Thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.

24/12/2020
75 năm, Đảng bộ tỉnh Hà Giang vượt khó dựng xây miền "đá nở hoa" - Bài 1: Đảng bộ tỉnh ra đời, bước ngoặt lịch sử trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc

BHG - Năm 1930, sự kiện Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khởi đầu cho những cao trào cách mạng, tiến tới cách mạng tháng Tám – 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến. Khác với đa phần các địa phương trong cả nước, cách mạng tháng Tám ở Hà Giang có đặc thù riêng. Là tỉnh có đường biên giới dài, do sự can thiệp của bọn Quốc dân đảng và những yếu tố lịch sử của vùng đất Hà Giang, đến những ngày cuối năm 1945, toàn tỉnh mới có gần 90% địa bàn được giải phóng. 

23/12/2020
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý tiếp đoàn công tác UNDP tại Việt Nam

BHG - Ngày 22.12, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp đoàn công tác của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) do bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP, làm trưởng đoàn. Cùng tiếp đoàn có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

23/12/2020
Đoàn công tác của Tỉnh ủy làm việc với BTV Huyện ủy Xín Mần

BHG - Ngày 22.12, Đoàn công tác của Tỉnh ủy gồm các đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần nhằm đánh giá kết quả công tác lãnh, chỉ đạo năm 2020.

 

23/12/2020