Quốc hội thảo luận KT-XH: Chỉ đạo kịp thời trong các tình thế đặc biệt
Các đại biểu cho rằng, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kịp thời trước các tình thế cấp bách như COVID-19, lũ lụt, thiên tai...
Ngày 5.11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 3, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tại hội trường.
Bộ trưởng Tài chính giải trình về tài chính ngân sách
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán NSNN năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025. Theo tư lệnh ngành tài chính, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH.
Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.
Nhưng bước vào năm 2020, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển KT-XH. Bên cạnh đó thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ quét, lũ ống và mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu kép, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa.
Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp.
Song, cũng từ chính sách đó, số thu ngân sách 10 tháng đầu năm phản ánh khá rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán - giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Một số địa phương có số thu lớn điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng tỷ lệ 10 tháng đầu năm rất thấp như Hà Nội 70,1%, TPHCM 64,8%, Vĩnh Phúc 60,8%, Đà Nẵng 56,4%... Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu và chống chuyển giá.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng cần đưa ra các kịch bản phát triển trong năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đại biểu, nếu có vaccine điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi.
Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%. Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành y tế cần có sự liên kết với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin.
Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai.
Người dân phải hài lòng, hạnh phúc
Mở đầu phiên thảo luận chiều 5/11, đại biểu Dương Văn Thống (tỉnh Yên Bái) đồng tình với dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch COVID-19 và tác động tiêu cực tới kinh tế đầu tư, thương mại toàn cầu. Đại biểu bày tỏ: Tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng, hạnh phúc.
Đại biểu Dương Văn Thống cũng cho rằng, chi ngân sách thường xuyên có giảm nhưng vẫn còn rất cao, còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Chính phủ cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định kiểu đặc thù với một số ngành phải được rà soát lại, kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang.
Về cải cách bộ máy và cán bộ, theo ĐB Dương Văn Thống, vừa qua chúng ta đã làm kiên quyết có kết quả, nhất là giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở chắc chắn là tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với sự vận hành của cả bộ máy thực thi công vụ của cán bộ, công chức, một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp vẫn không hài lòng. Mấy năm gần đây chúng ta hay ví von, “trên ga dưới phanh, trên nóng dưới lạnh”. ĐB Dương Văn Thống cho rằng, “nói thế chỉ đúng một phần, không toàn diện, dường như chỉ thấy cấp dưới trì trệ, làm chậm, không quyết liệt. Nhìn thẳng vào sự thật chúng ta thấy, một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên cả địa phương và Trung ương là cấp trên quản lý và tham mưu nhiêu khê”.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu. |
Tăng 1,3 triệu ha rừng trong 30 năm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, như mục tiêu của hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An), về phát triển rừng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong số này có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Như vậy, so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên tăng thêm 1,3 triệu ha.
"Tuy nhiên, phải khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt, bởi vì trong tổng số 10,3 triệu ha, chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo. Đây là thực tế mà chúng ta phải có trách nhiệm", Bộ trưởng Cường thừa nhận.
Vì vậy, ông nói tới đây phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học.
"Với 14,3 triệu ha rừng trồng, tới đây cũng được thay bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa. Chiến lược phát triển rừng 2021 - 2030 sẽ cố gắng để có rừng ngày càng chất lượng", ông Cường cho biết.
Sáng cùng ngày, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, vì vai trò của hai loại rừng này khác nhau.
Đại biểu Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) nhắc lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân, tinh thần dân tộc hết sức quý giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, lũ lụt.
Trong năm đặc biệt 2020 với dịch bệnh và thiên tai chưa từng có, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội để ứng phó COVID-19, được người dân chấp hành hết sức nghiêm túc; Thủ tướng cũng yêu cầu sửa ngay Nghị định 64 về ủng hộ, từ thiện trong thiên tai, bão lũ... Đây là những bài học quý báu cần được rút ra.
Tán thành với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, giai đoạn 21-25, đại biểu Lê Thanh Vân đóng góp thêm 5 vấn đề cho Chính phủ. Đó là Chính phủ phải đổi mới phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với diễn biến tình hình hiện nay, đặt trọng tâm vào công tác ban hành, kiểm soát thể chế phân bổ hợp lý hài hòa các nguồn lực xã hội (ngân sách Trung ương, địa phương, xã hội hóa) trong cùng 1 nhiệm vụ; phân biện rõ trách nhiệm các cấp trong thực hiện đầu tư công; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới trong quản lý.
Đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá cao chiến lược thu hút, sử dụng nguồn lực nhân tài mà Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng và đề nghị tập trung ưu tiên nhân tài lãnh đạo quản lý quốc gia, làm giàu, khoa học công nghệ, quản trị giáo dục, văn hóa nghệ thuật.
Đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu về khả năng khởi xướng chính sách, đề ra chủ trương, trọng dụng nhân tài, lôi cuốn bộ máy… Các tiêu chí này cần được đánh giá định kỳ hàng năm, có kết quả cụ thể.
Chính phủ cần nghiên cứu ban hành loạt chính sách mở đường cho một số DN đầu đàn áp dụng công nghệ cao, có các sản phẩm khoa học công nghệ có thể tạo đột phá, thúc đẩy toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh.
Cuối cùng, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các quan hệ xã hội đang bị điều chỉnh bằng đạo đức chuyển sang điều chỉnh bằng các quy định pháp luật, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Đây là nguồn lực vô hình tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ lo ngại trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm đang gây nhiều bức xúc và chúng ta cần xác định nhiệm vụ giải pháp căn cơ. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, các cấp các ngành, toàn xã hội và từng người dân dể lành mạnh hóa đời sống văn hóa xã hội, bài trừ những lối sống, cách hành xử đang đi ngược lại đạo đức truyền thống. Chúng ta cần chú trọng giáo dục đạo đức, lý tưởng; đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm; tăng cường học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Đại biểu nhấn mạnh phải có quyết tâm chính trị để giải quyết các vấn đề văn hóa, đạo đức, lối sống giống như chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, chỉ như vậy mới có niềm vui trọn vẹn trước sự phát triển của đất nước.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận. |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong những ngày qua đã lắng nghe các ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trước thiên tai và hậu quả ở miền Trung. Bộ trưởng chia sẻ với những mất mát của miền Trung, những khó khăn, gian khổ của các lực lượng đang khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn do thiên tai.
Bộ trưởng cho biết, theo các thống kê, xu hướng cực đoan của thời tiết, khí hậu trên toàn cầu đang tăng lên. Đảng, Nhà nước đã quan tâm đã chỉ đạo các chương trình nghiên cứu lũ quét, lũ lụt ở miền Trung và Tây Nguyên, về sạt lở đất và cảnh báo sạt lở ở miền Trung, Tây Nguyên.
Về các vụ việc xảy ra vừa qua, Bộ trưởng cho rằng phải có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ, nhưng theo thông tin cho tới nay, nguyên nhân là do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, lượng mưa vượt qua các chỉ số đo lịch sử, như Quảng Nam có mưa tới 500 mm một ngày, có nơi từ 2.000 đến 4.000 mm.
Các số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở trạm kiểm lâm 67, Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Phước Sơn), đoàn 337… ở độ cao từ 300-900 m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra độ trượt, tạo ra đứt gãy…; cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt. Chúng ta cũng phải đánh giá cụ thể hơn về thực trạng rừng tại các khu vực này.
Bộ trưởng khẳng định lũ lụt, thiên tai không phải lỗi do thủy điện. Cũng theo Bộ trưởng, việc điều tiết các hồ chứa trong khu vực nhịp nhàng, chặt chẽ như vừa qua đã làm giảm lũ từ 30 đến 70% cho vùng hạ du. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra thách thức về tư duy phát triển, về phát triển bền vững, về tăng trrưởng xanh. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; lúc này dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, đầu tư nguồn lực để thực hiện các mục tiêu môi trường trong thực tế.
Phát biểu về vấn đề phát triển thủy sản, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (tỉnh Bến Tre) nhắc tới Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả tích cực, với kim ngạch xuất khẩu 8,3 tỷ USD. Tuy nhiên, hạ tầng cho nghề khai thác thủy sản vẫn còn khiêm tốn, còn nhiều yếu kém, gây khó khăn trong khắc phục thẻ vàng EC, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho ngành thủy sản rất lớn, tới 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho ngành thủy sản trên tinh thần các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về vấn đề này; ưu tiên vốn trái phiếu cho hạ tầng ngành thủy sản; quan tâm tổ chức sắp xếp các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thủy sản, đặc biệt là kỹ sư thủy sản; bảo vệ hiệu quả hơn ngư dân trước các rủi ro…
Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (tỉnh Phú Yên) cảnh báo tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19. vì vậy, phải cảnh giác cao hơn trong thời gian tới. Việc giải ngân gói hỗ trợ DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Trước những thiệt hại nghiêm trọng do các vụ sản lở đất gây ra tại miền Trung, đại biểu đề nghị tăng cường trang bị các thiết bị quan trắc hiện đại, cảnh báo sớm; quy hoạch lại các khu dân cư.
Bày tỏ quan tâm vấn đề an ninh mạng, đề nghị phải có chế tài nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, đánh bạc trên mạng, thông tin sai lệch, xuyên tạc.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) cho rằng thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp… Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, ví trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ít khu bảo tồn được kiểm kê, bổ sung. Tình trạng mua bán động vật hoang dã chưa giảm.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng…
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh). |
Nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị tốt
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng thời gian qua công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, của từng tỉnh; chưa tạo được sự đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; chưa có sự liên kết hiệu quả; tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Giai đoạn 2021-2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách có hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần hình thành hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để triển khai và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số… “Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực có chất lượng”. Tuy nhiên, chính sách, kế hoạch cân đối chuẩn bị nguồn nhân lực không được thực hiện ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc ở nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu thì các báo cáo lại tiếp tục đánh giá tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, các sinh viên đăng ký ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay vào dự báo thị trường hiện tại. Điều này gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế.
Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của quốc gia trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2026. Để cơ cấu lại nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực, thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức các giải pháp phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm rõ thêm ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề triển khai các dự án thủy điện. |
Không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện
Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho rằng đối với các dự án thủy điện chúng ta cần có tầm nhìn sau 30-40 năm để có chế tài buộc DN tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tranh luận về phát triển thủy điện. Đại biểu nhắc lại câu chuyện xây dựng thủy điện sông Đà, với mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới tới phát điện. Nhờ có thủy điện này mà Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử, còn trước đó, như năm 1971, chúng ta phải phá đê để "cứu" Hà Nội.
Tuy nhiên, mặt trái của thủy điện cũng tồn tại, như một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng. Do đó phải đánh giá khách quan, nhiều chiều về hiệu quả và tác động của thủy điện. Cần xử lý nghiêm, lên án các chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, nhưng không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề triển khai các dự án thủy điện, việc xử lý các dự án thủy điện, điện mặt trời đã hết vòng đời dự án.
Bộ trưởng cho biết, khi có chủ trương đầu tư một dự án thủy điện, trước hết các dự án này đều phải được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có các tiêu chí về sử dụng đất thực hiện dự án. Địa phương quyết định việc bổ sung quuy hoạch. Sau khi được thông qua, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác nhau. Các dự án thủy điện phải đăng công khai đánh giá tác động về môi trường…
Đối với các dự án thủy điện hết vòng đời dự án, luật và các văn bản dưới luật đã quy định chủ đầu tư phải đánh giá lại an toàn hồ đập, có phương án tháo dỡ cụ thể. Chủ đầu tư dự án điện mặt trời có trách nhiệm xử lý các tấm pin khi đã hết thười gian sử dụng.
Đại biểu Đỗ Ngọc Định (tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi cho rằng các dự án thủy điện luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Định, các mặt tiêu cực đang được Bộ Công Thương kiểm soát chặt chẽ thì chúng ta phải ủng hộ. Đại biểu đồng tình các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện, với quan điểm nhận thức được tiêu cực, hạn chế thì sẽ có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hơn.
Mục tiêu kép, thành tích kép
Đại biểu Trần Quang Triều (tỉnh Nam Định) khẳng định vượt qua rất nhiều khó khăn, dịch bệnh, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép chúng ta đã đạt được thành tích kép.
Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, các kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được rất tích cực khi Việt Nam là số ít nước đạt mức tăng trưởng dương, quy mô GDP đứng thứ tư ASEAN, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) cho rằng với rất nhiều khó khăn thiên tai, dịch bệnh chưa từng gặp phải trong nhiều năm trở lại đây nhưng chúng ta đã vượt lên khó khăn đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, có niềm tin vào khát vọng phồn vinh. Theo đại biểu, để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển đến 2030 thành nước công nghiệp hiện đại và năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trong đó có hai chỉ số rất quan trọng là Chỉ số phát triển con người (HDI) và thu nhập bình quân đầu người/GDP.
Hiện nay, chỉ số HDI của Việt Nam đạt được là 0,693 thuộc nhóm các nước phát triển khá, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của giáo dục, được thế giới đánh giá cao cho dù chúng ta vẫn chưa hài lòng và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Trong phát triển kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần tập trung đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột chuỗi giá trị, tăng đầu tư phát triển…
Đại biểu cho biết hiện nay, mức chi cho giáo dục của 1 sinh viên đại học lớn ở Việt Nam chỉ bằng 1/10-1/15 sinh viên đại học ở các nước phát triển, nhưng trình độ của sinh viên Việt Nam được đánh giá tương đương (trừ ngoại ngữ). Đại học đang được coi là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả cao nhất để đào tạo nhân lực chất lượng cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo vì vậy chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ để có những trường đại học ngang tầm quốc tế.
Bên cạnh nguồn vốn FDI, đại biểu cũng đề nghị xem xét việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, dù có thể làm tăng tỷ lệ nợ công, để hỗ trợ các DN trong nước phát triển đủ sức cạnh tranh với DN FDI.
Đại biểu Vương Ngọc Hà (tỉnh Hà Giang). |
Đẩy mạnh sản xuất khu vực miền núi
Đại biểu Vương Ngọc Hà (tỉnh Hà Giang) đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính từng tỉnh, hình thành không gian kinh tế vùng.
Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng nêu thực tế, trong năm qua đất nước chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, nhất là vừa qua bão, lũ liên kiếp thiệt hại nặng nề ở khu vực miền Trung, miền núi. Trong hoàn cảnh đó toàn Đảng, toàn dân toàn quân đã chung sức đồng lòng và nhất là cách điều hành hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp đã đảm bảo ổn định về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Hình ảnh người người nhà nhà trong bản làng với nhau, góp nhau gói, nấu bánh chưng. Những hội viên phụ nữ cùng nhau nấu cơm gửi đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị thiên tai và từng đoàn xe chở nhu yếu phẩm từ Bắc Nam đều hướng về miền Trung thân yêu, đã cho thấy truyền thống đoàn kết tình nghĩa đồng bào của người dân đất Việt.
Trước thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn) đề nghị nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật, quy hoạch phù hợp liên quan đến phòng chống thiên tai; hỗ trợ cải tạo nhà ở của người dân vùng thoát lũ, xả lũ; sắp xếp bố trí dân cư các điểm có nguy cơ cao, bổ sung nguồn lực trồng rừng và bảo vệ rừng…
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng phát triển sản xuất ở miền núi đã đạt ngưỡng, muốn chuyển đổi về chất chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN với những điểm sáng ở Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn tuy nhiên chưa tạo được quy trình khép kín từ nghiên cứu đến triển khai, kết nối thị trường tạo nên chuỗi sản xuất, chuỗi quản lý. Đại biểu đề nghị sửa đổi luật KHCN, có chính sách KHCN phù hợp cho vùng miền núi,…
Trong ngày hôm qua (4/11), các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về: Giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững; giải ngân vốn đầu tư công tránh dàn trải, lãng phí; giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; về tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai; cần đầu tư đánh giá để xây dựng bản đồ về những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai để có phương án, giải pháp phòng, chống; tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác dự báo về tình hình thiên tai; bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở, chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai; thực trạng và hiệu quả các công trình thủy điện, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tình trạng ô nhiễm nước thải ở khu vực nông thôn; vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục mầm non; các giải pháp đối với vấn đề lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chính sách đối với người cao tuổi; xã hội hóa y tế, về công tác y tế tại các vùng sâu, vùng miền núi; về an toàn an ninh mạng; về điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, xã…
Thảo luận về các chương trình mục tiêu quốc gia, một số ý kiến đại biểu cho rằng nên lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực, giảm đầu mối quản lý.
Thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, để có cơ sở Quốc hội xem xét tổng thể kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công cả giai đoạn 2016-2020. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm tổng mức vốn ngân sách Trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương.
Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Theo: chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc