Ý chí hành động theo Lời thề Độc lập
Nhân dân Nam Bộ thể hiện Lời thề Độc lập bằng hành động tức thời ngay trong chiều 2/9/1945 khi những kẻ quá khích gây hấn ở Sài Gòn và 21 ngày sau, ngày 23/9, cuộc kháng chiến toàn dân ở Nam Bộ được phát động với tinh thần “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền tự do, độc lập”.
Khu vực chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 23/9/1945. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia |
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, quân Đồng minh đồng lõa với thực dân Pháp muốn lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam.
Tại Sài Gòn, quân Pháp mặc quân phục của quân Anh tiến hành hoạt động khiêu khích; quân Anh thả quân Pháp bị Nhật giam giữ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945; quân Anh đòi giải tán dân quân và đòi quân cách mạng nộp vũ khí; quân Anh chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam Bộ (Dinh Thống đốc cũ, nay là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh); quân Pháp nhờ quân Anh lấy lại quyền quản lý cảng tàu biển, Sở Ba Son, kho thuốc súng ở Thị Nghè; quân Pháp gấp rút tổ chức lại bộ máy cai trị thuộc địa Nam Kỳ và nắm lực lượng lính khố xanh cũ, tổ chức bắt cóc cán bộ, xúi giục các tổ chức trong nước hoạt động phá hoại nội bộ và lôi kéo, phân hóa quần chúng, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của nhân dân ta… Cao điểm của những hành động gây hấn này xảy ra vào đêm 22/9/1945, quân Pháp núp bóng quân Anh chiếm Khám Lớn, chiếm Trụ sở UBND Nam Bộ, Trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, Nhà đèn, Trụ sở Bưu điện, Đài phát thanh… và cuộc chiến bùng nổ giữa quân Pháp với lực lượng tự vệ của dân quân cách mạng và nhân dân Sài Gòn.
Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10/1865, nằm trên khu vực bến Bạch Đằng, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM ngày nay. Ảnh: SGGP |
Hừng sáng ngày 23/9/1945, Xứ uỷ và UBND Nam Bộ triệu tập hội nghị khẩn cấp tại số nhà 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), lịch sử gọi là Hội nghị Cây Mai. Dự hội nghị có đại diện Xứ ủy Nam Bộ, đại diện Ủy ban Hành chính Nam Bộ, đại diện Ủy ban Kháng chiến, đại diện Tổng bộ Việt Minh.
Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được phát đi: “Đêm qua (22/9/1945), thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!”. Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.… Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng. Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chắc võ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Cả Sài Gòn và Nam Bộ đứng lên theo lẽ tự nhiên “Độc lập hay là chết”. Tại Sài Gòn, Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn được thành lập để chỉ đạo mọi mặt cuộc kháng chiến, hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với địch; kêu gọi đồng bào vạch mặt bọn Việt gian nguy hiểm, triệt để bãi công, bãi thị, bãi khoá; ra sức đánh địch trên đường phố, ngăn chặn, bao vây chúng trong nội thành…
Tin tức ấy nhanh chóng điện báo ra Trung ương và Hồ Chủ tịch. Lập tức, ngày 24/9/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; Chính phủ ra huấn lệnh: “Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược của Pháp làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục... Đồng bào phải kiên quyết giữ vững lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”, (sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến).
Ngày 26/9/1945, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Trong thư Người khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do hơn sống nô lệ". Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta”.
Ngay sáng 23/9/1945, các chiến sĩ chốt giữ ở Cột cờ Thủ Ngữ đã chiến đấu bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng để không cho địch kéo lá cờ tam tài lên và họ đã hy sinh đến người cuối cùng với viên đạn cuối cùng. Quân Anh khi chiếm được Thủ Ngữ đã phải cho cả đại đội xếp hàng, bồng súng chào, tỏ rõ sự cảm phục tinh thần quyết tử và khí tiết của những chiến sĩ cảm tử anh hùng đã ngã xuống dưới chân cột cờ vì nền độc lập của nước Việt Nam.
Chiều 23/9/1945, cả Sài Gòn đình công, ngừng các hoạt động công sở, xí nghiệp, hãng buôn, chợ, trường học, xe cộ; điện, nước bị cắt; chiến lũy hình thành trên khắp các đường phố. Các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu chống quân xâm lược, những trận đánh ác liệt đã xảy ra suốt từ đó và kéo dài đến nhiều ngày sau.
Từ đầu tháng 10/1945, tại Sài Gòn, chiến sự càng quyết liệt ở cả bốn phía, nhất là xung quanh các cây cầu quan trọng.
Ở phía đông, mặt trận kéo dài từ cầu Thị Nghè đến cầu Bông, cầu Bình Lợi, cầu Kiệu... Ở phía bắc, mặt trận tiền tuyến án ngữ từ cầu Tham Lương ra Bà Điểm, Hóc Môn vào ngã tư Bảy Hiền, hình thành chiến tuyến gồm các tuyến công sự chiến đấu của các nhóm tự vệ. Ở phía tây, mặt trận án ngữ cầu Bình Điền xuống An Lạc, chợ Đệm, ngăn chặn hành lang chiến lược từ Sài Gòn xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Ở phía nam, mặt trận tiền tuyến nối cầu Chữ Y đến các cây cầu Tân Thuận và phía nam Sài Gòn-Chợ Lớn.
Các mặt trận vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa đưa các mũi nhọn tập kích nhiều vị trí địch trong nội thành, hình thành thế trận “trong đánh ngoài vây” - thế trận được tạo ra với sự phối hợp có hiệu quả lực lượng chính trị, quân sự cả trong và ngoài thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
Như vậy, nhân dân Nam Bộ thể hiện lời thề độc lập bằng hành động tức thời ngay chiều 2/9/1945 khi những kẻ quá khích gây hấn ở Sài Gòn và 21 ngày sau, ngày 23/9/1945, cuộc kháng chiến toàn dân trên toàn Nam Bộ đã được phát động với tinh thần “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền tự do, độc lập”.
Đó là phản ứng tự nhiên và tất yếu để giữ nền độc lập, là câu trả lời kiên quyết, đanh thép, kịp thời trước hành động chiến tranh của đội quân xâm lược. Nam Bộ kháng chiến đã tạo ra tiền lệ mới trong ứng phó với kẻ thù, buộc chúng bộc lộ tất cả âm mưu thủ đoạn chiến tranh xâm lược hòng lập lại chế độ thuộc địa. Nam Bộ kháng chiến tích lũy kinh nghiệm ban đầu về kháng chiến ở đô thị với thế trận “trong đánh ngoài vây” đóng góp cho kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946 và kho tàng nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân cách mạng thời đại mới.
Không giống thế kỷ XIX khi thực dân Pháp mở đầu chiến tranh xâm lược nước ta và thành Gia Định thất thủ, lần này kẻ thù cũ đã bị quân dân Nam Bộ và toàn dân tộc kiên quyết đứng lên chống lại đúng với tư cách người dân nước Việt Nam mới trong thể chế dân chủ cộng hòa.
Lại đi trước trong kháng chiến cứu nước, Nam Bộ luôn giữ ngọn cờ tiên phong thành đồng ở phía nam của đất nước suốt hành trình lịch sử vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
Theo chinhphu.vn