Nhân dân góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025
BHG - Trước hết, tôi rất vui mừng nhận thấy Tỉnh ủy đã phát huy cao độ tính dân chủ, công khai, trân trọng sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân đối với Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là thể hiện “chiêu hiền, đãi sĩ”, phát huy truyền thống nhân văn của ông cha ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tôi có may mắn được tham gia biên soạn xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII và XIII. Điều tôi nhận thấy là Dự thảo Báo cá Chính trị lần này của BCH Đảng bộ tỉnh cơ bản bố cục có đổi mới, độ dài vừa phải, kết cấu tương đối chặt chẽ, có hệ thống.
Chủ đề đại hội nêu ra phù hợp với thực tiễn của tỉnh, vừa có tính tổng quát vừa bảo đảm vấn đề trọng tâm, xuyên suốt, then chốt.
Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện hiện Nghị quyết Đại hội XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo cáo Chính trị đã nêu được những kết quả trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh, quốc phòng; xây dựng Đảng… Có so sánh chỉ tiêu so Nghị quyết đề ra. Đồng thời chỉ ra được những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Tuy nhiên, trong đánh giá kết quả 5 năm qua thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, một số lĩnh vực như: Công nghiệp, thủ công nghiệp; hệ thống thương mại, dịch vụ; chương trình phát triển kinh tế biên mậu; phát triển doanh nghiệp, huy động nguồn lực; hoạt động tài chính, tín dụng, đầu tư công, đánh giá còn chung chung, có nội dung chưa sâu, sát thực tế. Đặc biệt là công tác ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất còn thiếu số liệu dẫn chứng, chứng minh hiệu quả. Các chương trình trọng tâm và đột phá được Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chưa cụ thể, hiệu quả và bài học rút ra.
Lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông đánh giá chưa đầy đủ; đặc biệt là văn học, nghệ thuật còn bỏ trống… Trong khi đó, thực tế lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã được Đảng ta từ khi thành lập rất coi trọng, đánh giá vai trò của văn học nghệ thuật như một “mặt trận” và đều có nghị quyết của các khóa đại hội và nghị quyết riêng đến nay.
Về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, báo cáo đánh giá hơi dài, chưa sâu những mặt hạn chế, khuyết điểm; có mặt yếu kém của tổ chức đảng, cá nhân còn nêu chung chung, chưa chỉ ra cụ thể ở địa phương, đơn vị nào.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, báo cáo đánh giá còn dàn trải, chưa thể hiện được hiệu quả của lĩnh vực này đối với một tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc như Hà Giang trong xây dựng và bảo vệ biên giới Tổ quốc ổn định, hòa bình, hữu nghị.
Về định hướng phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, mục tiêu cụ thể, báo cáo đã dự báo tình hình thế giới, trong nước và khu vực, cụ thể hóa ở địa phương với các chỉ tiêu tương đối phù hợp thực tiễn ở Hà Giang. Đối với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá trong nhiệm kỳ là phù hợp với thực tế ở Hà Giang. Riêng cụm từ trong câu đột phá thứ 3: “Tạo sinh kế” nên thay bằng từ “Tạo cơ chế, chính sách” sát nội dung tiếng Việt hơn.
Ý kiến của Nhà báo, Nhà văn Đặng Quang Vượng, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang