Xin ý kiến nhân dân vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (phần I)

14:38, 19/08/2020
 

BHG - Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; đề ra quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, giải pháp trong 5 năm tới. Báo Hà Giang điện tử xin giới thiệu nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để được trân trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.

Sau đây, Báo Hà Giang điện tử xin gửi tới bạn đọc và nhân dân phần I của Dự thảo Báo cáo.

I- KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XVI, NHIỆM KỲ 2015 - 2020

Năm năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền, biển đảo diễn ra gay gắt; các thế lực thù địch, phản động vẫn tìm mọi cách để chống phá; dịch bệnh Covid - 19 xảy ra ở hầu hết các quốc gia; cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành một trong những xu hướng phát triển, các yếu tố đó đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp toàn diện đến quá trình phát triển của nước ta và của tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, điều hành quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Giang tiếp tục phát triển khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế - xã hội ổn định, sức cạnh tranh, quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh, hiệu quả, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Chính trị - xã hội ổn định, biên giới chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quốc phòng - an ninh được củng cố.

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới địa đầu cực bắc của tổ quốc; có địa chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng, lợi thế như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ; khí hậu ôn hòa mát mẻ, môi trường trong lành; có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản phẩm đa dạng đặc thù, nguồn gen đa dạng quý hiếm; Nhân dân các dân tộc có truyền thống cách mạng, đoàn kết, ý chí và khát vọng vươn lên, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những thế mạnh đó là lợi thế để Hà Giang khai thác, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, Hà Giang còn nhiều khó khăn: Vẫn là tỉnh nghèo khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp; biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần suất cao.

Trong bối cảnh đó, năm năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đoàn kết, thống nhất một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1.1. Phát triển kinh tế: Công tác quy hoạch được quan tâm, hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì, tiềm lực kinh tế được nâng lên; tiềm năng, lợi thế từng bước được khai thác có hiệu quả

Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8% đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm từ 36,4% đầu nhiệm kỳ xuống còn 30,3%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 21,5% lên 25,7%; thương mại - dịch vụ tăng từ 42,1% lên 44%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015.

Công tác lập và quản lý quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư và thực hiện có hiệu quả; đã hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; 100% đô thị của các huyện đã có quy hoạch chung xây dựng, các xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Giang, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 04 đô thị trung tâm du lịch thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm và có chuyển biến tích cực.

Tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chống thất thoát, lãng phí. Hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn quan trọng, thiết yếu. Thành phố Hà Giang đạt các tiêu chí đô thị loại III, các đô thị tiếp tục được quan tâm chỉnh trang; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 98% số xã có đường nhựa, bê tông; 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm; 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Mạng lưới cáp quang truyền dẫn, trạm phát sóng di động được phủ tới 95% thôn, bản, tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%, truyền hình đạt 100%. Xây dựng hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống hồ treo trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá, từng bước góp phần đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nghiên cứu đề xuất Dự án đường cao tốc kết nối từ Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quan tâm triển khai đầu tư một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn tại hầu hết các địa phương.

Nông nghiệp tăng trưởng khá, bình quân đạt 4,5%. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đã giải ngân trên 705 tỷ đồng với 7.675 hộ được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chỉ đạo triển khai đồng bộ bằng đề án cụ thể gắn với tổ chức lại sản xuất và cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư; các cây trồng chủ lực của tỉnh được quy hoạch, tập trung chỉ đạo tăng diện tích, nâng cao chất lượng(1). An ninh lương thực trên địa bàn được bảo đảm, tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn; một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hà Giang, Chè Shan tuyết, Mật ong Bạc hà. Triển khai lập quy hoạch tổng thể chương trình phát triển cây dược liệu, bảo tồn gen, nguồn giống dược liệu quý hiếm. Chăn nuôi phát triển chiếm 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho gia súc; phòng, chống sâu bệnh cây trồng được bảo đảm. Đẩy mạnh trồng, cấp chứng chỉ, chăm sóc, bảo vệ phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58%(2), tạo sinh kế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số nghèo, khu vực dân cư biên giới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Tổ chức thực hiện tốt việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phong trào hiến đất làm nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn được nhiều địa phương triển khai sâu rộng hiệu quả. Tập trung xây dựng trung tâm xã và các khu dân cư gắn với phát triển dịch vụ. Đến nay, đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 143% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; thành phố Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quy tụ, sắp xếp 4.777 hộ sống rải rác ở các sườn núi cao, vùng thiên tai về sống tập trung tại các thôn bản, gắn với xây dựng nông thôn mới, vượt so với mục tiêu của nhiệm kỳ.

Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng bền vững, trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh gắn với sưu tầm, phục dựng các lễ hội văn hóa dân tộc trở thành sản phẩm du lịch; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 16%/năm. Mô hình du lịch homestay được khuyến khích phát triển bằng chính sách của tỉnh góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, xóa nghèo cho nhân dân(3). Kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch của tỉnh được quan tâm đầu tư; phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hà Giang được đẩy mạnh cả trong và ngoài nước. Khách du lịch tăng bình quân trên 15%/năm, đến hết năm 2020 thu hút 1,5 triệu  lượt khách, đạt mục tiêu Nghị quyết.

Công nghiệp, thủ công nghiệp tăng trưởng và phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng bình quân 12,7%/năm, đến năm 2020 đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 102,7% so với năm 2015. Hoàn thành và đưa vào vận hành 17 nhà máy thủy điện, đến nay toàn tỉnh có 36 nhà máy đang hoạt động, sản lượng điện trên 2.659,5 triệu kwh/năm. Giá trị sản xuất ngành khai thác khoáng sản tăng 53,24%, sản xuất và phân phối điện tăng 37,45%, chế biến nông, lâm sản tăng 33,04%. Khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề sản xuất các sản phẩm hàng hóa đặc thù, chất lượng tốt(4). 

Hệ thống thương mại, dịch vụ được mở rộng, lưu thông hàng hóa thuận lợi, cung cầu hàng hóa bảo đảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 13,6%/năm. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, khách sạn, nhà hàng, siêu thị nhỏ phát triển. Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai hiệu quả. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được chú trọng, một số sản phẩm của tỉnh bước đầu đã có thị trường tiêu thụ ổn định.

Chương trình phát triển kinh tế biên mậu được tập trung chỉ đạo thực hiện. Hoạt động thương mại, dịch vụ qua biên giới chuyển biến tích cực, xuất nhập khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng ngày càng cao; kết cấu hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm đầu tư; cải cách thủ tục hành chính tại các cửa khẩu quốc tế được thực hiện tốt; công bố mở chính thức cặp cửa khẩu quốc gia song phương Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc). Tích cực, chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị, hội chợ quốc tế nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại biên giới, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy. Duy trì  tốt cơ chế hội đàm định kỳ, trao đổi thông tin về các hoạt động thương mại biên giới với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

Phát triển doanh nghiệp, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phát triển cả về số lượng(5) và hiệu quả sản xuất kinh doanh, thành lập mới 649 doanh nghiệp và 326 đơn vị trực thuộc, trên 71% doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Vingroup, TH true milk, FLC... đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng; vận động, thu hút các chương trình dự án ODA(6). Hoạt động khởi nghiệp được quan tâm triển khai, kinh tế tập thể chuyển biến theo hướng liên doanh, liên kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động(7).

Hoạt động tài chính, tín dụng và đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt hiệu quả. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10.665 tỷ đồng, bình quân hằng năm thu 2.133 tỷ đồng, trong đó năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 51,2% so với năm 2015. Triển khai các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh tập trung nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều hành chi ngân sách bảo đảm đúng luật, tiết kiệm và hiệu quả; cơ cấu chi ngân sách địa phương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên(8). Cắt giảm quy mô đầu tư, tạm dừng một số dự án chưa thực sự cấp thiết; kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới; bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản, trả nợ vay ngân hàng và kho bạc nhà nước, đạt 96,5% theo quy định. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả, các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu về đầu tư phát triển; ưu tiên vốn vay cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các chính sách của tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu; các nguồn vốn chính sách xã hội được giải ngân đúng đối tượng, góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội; tổng dư nợ đầu tư cho nền kinh tế 23.474 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng bình quân 14,56%/năm.

Công tác ứng dụng khoa học, công nghệ gắn liền với thực tiễn sản xuất và đời sống. Chủ động triển khai hợp tác với các cơ quan, đơn vị khoa học công nghệ có kinh nghiệm và uy tín để nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ công tác cải cách hành chính. Quan tâm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, y dược(9); ứng dụng, chuyển giao công nghệ hệ thống bơm nước không dùng điện tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc. 

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai nghiêm túc. Nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên được nâng lên, quản lý đất đai có chuyển biến tích cực. Quy định rõ trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản đối với các ngành, các cấp chính quyền, địa phương; hoàn thành khoanh định các khu vực cấm, khu vực tạm cấm; phối hợp với các tỉnh giáp ranh quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, triển khai các dự án xử lý rác thải tập trung; 95% chất thải rắn được thu gom, 92% dân cư thành thị, 86% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết. Các nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện; công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn được tăng cường kịp thời.

1.2. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; thông tin, truyền thông phát triển về quy mô và chất lượng

Chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được nâng cao; mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan tâm rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Chú trọng hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp cho người học. Nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết đào tạo. Thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập trung học cơ sở, trung học phổ thông và chuyển học sinh từ các điểm trường về trường chính. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, học sinh giỏi được nâng lên. Duy trì tốt và nâng chuẩn về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; huy động  học sinh các độ tuổi đến trường(10). Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%, tăng 20,7% so với năm 2015. Ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng các trường nội trú, bán trú và thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; sáp nhập các đơn vị trường học, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục và đào tạo.

Mạng lưới y tế thường xuyên được quan tâm củng cố, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%, tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 99,6%. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện rõ nét qua phòng, chống đại dịch Covid – 19(11). Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại; đưa trang thiết bị kỹ thuật mới vào chẩn đoán, điều trị, hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại nhiều xã, phường, thị trấn. Quan tâm nâng cao y đức, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ y, bác sĩ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân(12); thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế bước đầu có hiệu quả. Chính sách dân số và phát triển tiếp tục được triển khai có hiệu quả, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế - dân số được triển khai thực hiện tốt. Hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phát huy hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát, mức tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,4%.

Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó chú trọng hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động sự vào cuộc, tham gia tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân cùng với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,22%/năm, giảm từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,53% năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, trong đó đào tạo nghề 44%; tạo việc làm cho trên 91 nghìn người. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, đối tượng chính sách xã hội. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên. Thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo vệ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phòng, chống tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời công tác cứu trợ xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ đạo nhà ở do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đã quyết liệt huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ triển khai xây dựng được trên 3.000 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở đảm bảo 3 cứng bền vững, lâu dài; từng bước nâng cao đời sống, ổn định dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện hiệu quả, nhân dân đồng tình hưởng ứng, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Những nội dung và phong trào xây dựng đời sống văn hóa được kết hợp chặt chẽ với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy tính tích cực, quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư(13).

Triển khai tốt các chương trình, kế hoạch, đề án về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện có hiệu quả đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học; Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và tích cực nhân rộng đối với các dân tộc khác trên địa bàn. Quan tâm công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể(14). Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao từng bước phát triển. Hoạt động quảng bá về văn hoá truyền thống, hình ảnh con người Hà Giang được quan tâm đẩy mạnh, góp phần mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn luôn được quan tâm thực hiện. Thực hiện tốt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Phát huy vai trò của người có uy tín trong dân tộc, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào và toàn dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Thông tin, truyền thông phát triển cả về quy mô và chất lượng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đạt kết quả tốt, dịch vụ công trực tuyến của một số ngành đã đạt cấp độ 3 - 4; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí có nhiều đổi mới, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định của pháp luật, kịp thời bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; góp phần tích cực trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội và giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

1.3. Quốc phòng, an ninh được củng cố, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; thường xuyên coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc; từng bước đầu tư xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các công trình có tính lưỡng dụng cao, tạo liên hoàn, vững chắc trong khu vực phòng thủ của địa phương. Chất lượng tổng hợp và khả năng chiếu đấu của lực lượng vũ trang ngày càng được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh. Công tác huấn luyện và diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng, chống cháy rừng, cháy nổ hiệu quả; lực lượng vũ trang tham gia thường xuyên và tích cực giúp đỡ nhân dân phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Các địa phương chủ động nắm chắc tình hình, chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, quản lý biên giới và giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Triển khai tăng cường sĩ quan bộ đội biên phòng làm lãnh đạo các xã, thị trấn biên giới, đảng viên các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, phụ trách hộ gia đình giáp biên; hoàn thành thực hiện đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, thị trấn. Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc(15). Thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại về quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, trên tuyến biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển(16). 

Các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được đẩy mạnh; quan hệ hữu nghị, giao lưu, hợp tác với đối tác nước ngoài tiếp tục được duy trì, mở rộng, phát triển mối quan hệ với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc đi vào thực chất, từng bước triển khai có hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác: Quản lý biên giới; phát triển nông nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, cán bộ; mở lối mở biên giới; quản lý lao động qua biên giới; hợp tác về văn hóa. Thiết lập quan hệ với các địa phương của Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc; ký kết các thỏa thuận với các tổ chức, đối tác nước ngoài, chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Giang qua các hội nghị, hội thảo quốc tế. Chủ động, tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động các nguồn viện trợ, đầu tư của các tổ chức quốc tế, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt vai trò thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ thứ XVI, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng. Chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng được nâng cao, 42% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân 4,22%/năm, giảm từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,53% năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%, trong đó đào tạo nghề 44%, giải quyết việc làm cho trên 91 nghìn người. Huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ xây dựng được 3.000 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới khó khăn về nhà ở.

                       (Còn nữa)

(1) Diện tích cam 8.420 ha, 49% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP; diện tích chè gần 21.000 ha, 42,3% diện tích đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch/ha đất canh tác, doanh thu đạt 50 triệu đồng/ha, tăng 8,9 triệu đồng/ha so với năm 2015.

(2) Trồng mới trên 37.000 ha rừng, cấp chứng chỉ chứng nhận rừng bền vững cho các nhóm hộ gia đình được trên 4.200 ha, giao khoán, bảo vệ trên 375.000 ha, khoanh nuôi phục hồi trên 19.000 ha.

(3) Đã hỗ trợ 23,7 tỷ đồng để phát triển dịch vụ du lịch homestay và xây dựng các cơ sở lưu trú.

(4) Gồm: 35 làng nghề, 04 làng nghề truyền thống với 4.200 lao động/2.073 hộ tham gia.

(5) Đến nay, toàn tỉnh có 01 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 04 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ một phần vốn; 1.928 doanh nghiệp tư nhân.

(6) Trong đó: Vốn ODA là 3.282,165 tỷ đồng; vốn đối ứng là 984,112 tỷ đồng do ADB, WB, Chính phủ Ai len, IFAD, JICA, Quỹ Cô Oét... tài trợ

(7) Thành lập mới 411 Hợp tác xã, đến nay toàn tỉnh có 693 Hợp tác xã, trong đó 86% hoạt động có hiệu quả.

(8) Năm 2020 chi đầu tư phát triển chiếm 27,9%, chi thường xuyên chiếm 72,1% tổng chi ngân sách địa phương, so với năm 2015 tăng và giảm tương ứng 1,9%.

(9) Phục tráng và bảo tồn nhiều giống lúa, ngô địa phương; chọn, tạo thế hệ cây cam sành sạch bệnh; bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa và phát triển các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống cây có ưu thế; làm chủ được công nghệ nhân giống bò bảo đảm chất lượng tốt.

(10) 99% học sinh 6 - 14 tuổi đến trường, 99,7% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 70% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (phổ thông và bổ túc) tiếp tục theo học Trung học phổ thông, tăng 8,3% so với năm 2015.

(11) Tỷ lệ  trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng giảm còn 18%,  trẻ dưới 5 tuổi được tiêm đủ các loại vacxin đạt 96%; chữa trị khỏi bệnh cho ca bệnh 268 ngay tại cơ sở, dịch bệnh được kiểm soát không lây lan ra cộng đồng.

(12) Đến nay, toàn tỉnh có 10,5 bác sĩ/vạn dân, 40 giường bệnh/vạn dân, đạt trên mức bình quân chung cả nước.

(13) Đến nay, toàn tỉnh có 70% gia đình văn hóa, 67,2% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng, đến nay có 137 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, chiếm 70,25%; 19 xã có sân vận động; 1.332 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao.

(14) Toàn tỉnh hiện có 79 di sản được xếp hạng, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 56 di tích danh thắng, 20 di sản văn hóa phi vật thể, 18 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”...

(15) Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 468 mô hình tự quản, 1.244 tổ tự quản về an ninh trật tự, 94% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về an ninh trật tự.

(16) Phối hợp với Công an Biên phòng châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức diễn tập liên hợp chống khủng bố; 100% đồn biên phòng ký kết nghĩa với các trạm biên phòng phía đối diện.

Các ý đóng góp xin gửi về các địa chỉ sau:

1. Văn phòng Tỉnh ủy:

- Email: vptuhgdh17@gmail.com

- Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Số 547, đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Trãi, T.p Hà Giang

2. Báo Hà Giang:

- Email: thukybhg@gmail.com

- Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Tòa soạn Báo Hà Giang, số 5, đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi, T.p Hà Giang.

3 - Đài PT – TH Hà Giang

- Email: thoisuhg@gmail.com

- Hoặc gửi thư tay theo địa chỉ: Văn phòng Đài PT-TH Hà Giang, số 126, đường Nguyễn Thái Học, tổ 7, phường Trần Phú, T.p Hà Giang.

Các ý kiến đóng góp có thể bằng email hoặc thư tay xin gửi về các địa chỉ trên trước ngày 7.9.2020ạn

Bạn đọc có thể xem toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị ở đường link dưới.

[links()]


Cùng chuyên mục

Họp Tiểu ban Tuyên truyền - khánh tiết, triển lãm Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI

BHG - Sáng 19.8, Tiểu ban Tuyên truyền - khánh tiết, triển lãm Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI, giai đoạn 2016 - 2020 họp bàn đánh giá, triển khai các nhiệm vụ. Đồng chí Đặng Ái Xoan, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị thành viên của Tiểu ban. 

19/08/2020
Đại hội điển hình tiên tiến Tổng Cục Thuế

BHG - Sáng 18.8, Tổng Cục Thuế tổ chức truyền hình trực tuyến Đại hội Điển hình tiên tiến tới 63 tỉnh, thành, nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng, giai đoạn 2015 – 2020. Tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Cao Anh Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế; đại diện các bộ, ban, ngành. Tại điểm cầu Hà Giang có lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và Chi cục thuế các huyện, thành phố.

18/08/2020
Giữ vững nền độc lập dân tộc

BHG - Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra hầu như không đổ máu và nhanh chóng giành được thắng lợi cơ bản trên toàn quốc. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng rồi thực dân Pháp rắp tâm trở lại xâm lược, buộc dân tộc ta phải đứng lên kháng chiến để giữ vững lời thề trong Tuyên ngôn độc lập: 

18/08/2020
Công bố quyết định tổ chức lại Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND và UBND tỉnh

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 13/2020 của HĐND tỉnh, chiều 18.8, Thường trực HĐND, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố quyết định tổ chức lại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh...

18/08/2020