Người lính Cụ Hồ hai quốc tịch, đảng viên hai Đảng Cộng sản
BHG - Kotas Sarantiđis sinh ra trong một gia đình công nhân ở Athens (Hy Lạp), bị bắt đi lính Đức Quốc xã khi mới 16 tuổi. Không chịu nổi sự khắc nghiệt trong đội quân phát xít, anh đã tìm cách trốn thoát. Anh len lỏi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp đi làm thuê để kiếm sống. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Kotas bị bắt và đưa vào trại tập trung ở Italia vì không có giấy tờ tùy thân. Sau đó anh bị dẫn về Pháp, bắt vào đội quân Lê dương của lực lượng viễn chinh Pháp đưa sang chiến trường Đông Dương. Những năm tháng ở chiến trường miền Nam Việt Nam, anh chứng kiến cảnh tàn sát, giết chóc tàn ác do lính Lê dương gây ra với người dân Việt Nam nên đã tìm cách rời bỏ đội quân này. Được Quân đội nhân dân Việt Nam cưu mang, anh đã nhanh chóng hòa nhập và tham gia cùng chiến đấu giành độc lập, tự do. Công đầu là vào tháng 6.1946, anh đã cùng đồng đội giải cứu được 25 tù chính trị ở Mũi Né (Bình Thuận), từ đó có tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập và được biên chế vào Trung đoàn 803, Liên khu 5.
Trong hàng ngũ “lính Cụ Hồ”, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Kotas Nguyễn Văn Lập được giao nhiều công việc khác nhau và có mặt trong nhiều trận đánh ác liệt trên các chiến trường khu 5. Trong trận chống càn quét của địch vào tháng 4.1948 anh cùng Tiểu đoàn 39 đánh lùi cuộc tấn công với quy mô lớn của quân Pháp vào vùng tự do ở Bà Rén (Quảng Nam). Với ý chí chiến đấu kiên cường và lòng trung thành với cách mạng Việt Nam, năm 1949 Kotas Nguyễn Văn Lập được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1952, anh được giao làm Tổng Giám thị trại tù binh Âu - Phi số 3 ở Quãng Ngãi với tên mới là “sếp Linh”. Những tù binh sống trong trại với nhiều quốc tịch, tôn giáo, phe phái khác nhau nhưng được “sếp Linh” cảm hóa nên họ đã nhận ra sự phi nghĩa của đội quân xâm lược và cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhiều tù binh ở trại số 3 được anh giác ngộ sau khi được trao trả đã trở thành những cốt cán của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Phi.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Kotas Nguyễn Văn Lập tập kết ra Bắc. Anh tham gia đội quân tuyên truyền chống lại việc cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; làm Đội trưởng đội cung tiêu ở sân bay Gia Lâm; làm cán bộ quản lý ở mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng; làm phiên dịch tiếng Đức ở Nhà máy in Tiến Bộ... Bất kỳ công việc gì anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Năm 1965, Kotas Nguyễn Văn Lập được hồi hương về Hy Lạp, từ đó đến nay, tuy tuổi cao nhưng ông cùng gia đình luôn có những hoạt động hướng về Việt Nam, quê hương thứ 2 của mình. Ông gia nhập vào Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm nòng cốt trong Hội Việt kiều, là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hy Lạp. Ông đã viết 2 tập hồi ký “Một người Hy Lạp Giám thị tù binh tại Việt Nam” và “Tại sao tôi sang hàng ngũ Việt Minh” xuất bản năm 1987 và năm 2010. Hai cuốn sách nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và chính sách nhân đạo với tù binh của quân đội ta. Ông trực tiếp mang sách đi bán, lấy số tiền đó để ủng hộ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. Ngày 9.11.2010, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Tại lễ nhận quyết định ông nói: “Hạnh phúc của đời tôi là được gia nhập và chiến đấu trong quân đội của Cụ Hồ, giờ nhận được quốc tịch Việt Nam tôi lấy làm hãnh diện và tự hào vô cùng”.
Gần 20 năm trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, trải qua bao gian khổ, khó khăn, ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã chiến đấu dũng cảm lập được nhiều chiến công. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng quyển sách “Những chặng đường lịch sử” với dòng chữ: “Thân tặng đồng chí Kotas Nguyễn Văn Lập”, được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Hữu nghị… Vinh dự được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2013. Phát biểu cảm tưởng khi được nhận danh hiệu cao quý này, ông xúc động nói: “Thành tích và vinh dự lớn lao này trước hết thuộc về các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp của tôi, thuộc về tập thể đồng chí, đồng đội, thuộc về nhân dân các địa phương nơi tôi công tác và tôi chỉ có một phần trong đó. Tôi tự hào là người lính Cụ Hồ, tôi khâm phục bản lĩnh anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Kotas Nguyễn Văn Lập là người chiến sỹ cách mạng quốc tế kiên trung, hết mực thủy chung và gần gũi, giản dị. Với danh hiệu “Người lính Cụ Hồ” sống, chiến đấu cùng Quân đội và nhân dân Việt Nam, ông là mẫu mực cho tình cảm quốc tế cao cả. Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”, người cộng sản của hai Đảng anh em Kotas Nguyễn Văn Lập, ở tuổi 93 vẫn tiếp tục góp phần lan tỏa tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, tinh thần quốc tế cao đẹp, góp phần vun đắp tình hữu nghị trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam - Hy Lạp.
HOÀNG DUY
Ý kiến bạn đọc