ĐBQH thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và Luật Xây dựng
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 18.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang và các ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh tham gia thảo luận |
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đồng chí Đặng Quốc Khánh cho rằng: Việc ban hành luật là cần thiết, tuy nhiên ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong quá trình thực hiện; dự thảo luật lần này phải giải quyết được những tồn tại của Luật Xây dựng 2014 như khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong quản lý hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước; về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng... Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần xem xét quy định về quy hoạch khu chức năng; xem xét lại các quy định về quản lý giá; về đấu thầu, về cấp phép xây dựng...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh Vương Ngọc Hà đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. |
Đại biểu Sùng Thìn Cò, ĐBQH Hà Giang đề nghị Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần quan tâm hơn nữa đến việc thẩm định quy hoạch, bởi hiện nay ngoài việc thẩm định trên hồ sơ cần quan tâm đến việc thẩm định trên thực địa, sau khi có quy hoạch thì cần thực hiện công khai, rộng rãi để người dân biết, gám sát, tránh gây những hậu quả không hay có thể xảy ra...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh Vương Ngọc Hà, đề nghị: Tại khoản 1 Điều 10 của Luật Phòng, chống thiên tai, Ban soạn thảo cần xem xét các thành phần tạo nên nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tránh trùng với nội dung Nghị định số 64, ngày 14.5.2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống thiên tai đề nghị bổ sung cụm từ “và thích ứng với biến đổi khí hậu thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường” để đảm bảo với thực tế hiện nay, cụ thể: Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật phải tuân thủ các quy định tại Điều 18a và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, bao gồm:
ĐBQH Sùng Thìn Cò tham gia thảo luận tại tổ. |
a) Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường (mưa bão trái mùa cường độ mạnh; nắng nóng hơn, rét buốt đậm hơn...);
b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, về xây dựng và về quy hoạch có xét đến biến đổi khí hậu.
Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng đề nghị bổ sung điểm e vào khoản 2 và bổ sung điểm d khoản 3 Điều 21 Luật Phòng, chống thiên tai cho đầy đủ, cụ thể như sau:
Điểm e khoản 2: Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về phòng chống thiên tai, “nâng cao nhận thức và biết được tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ môi trường”.
Điểm d khoản 3: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ giáo dục và Đào tạo” chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình, đề án về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, ĐBQH Sùng Thìn Cò đề nghị: Sửa đổi Điều 6 Luật Phòng, chống thiên tai cho đầy đủ, trong dự thảo luật cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng dân quân, người dân địa phương và vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai. Trong Điều 7 đại biểu cho rằng hiện nay phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai còn thiếu thốn, cần phải quan tâm hơn nữa đến nội dung này, đặc biệt là các phương tiện chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào dự thảo luật nội dung phòng, chống thiên tai xuyên biên giới...
Tin, ảnh: Duy Tuấn – Thu Hiền
Ý kiến bạn đọc