Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
BHG - Ngày 30.9, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE) đối với các sở, ngành của tỉnh gồm: LĐB&XH, Tư pháp, Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Sở VHTT&DL, GD&ĐT, Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, giai đoạn 2015 - 2019. Đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì buổi giám sát.
Trong những năm qua, để góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, góp phần ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại, các sở, ngành liên quan của tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em (BVCSGDTR) hàng năm và theo từng giai đoạn phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả công tác BVCSGDTE tại cơ sở, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Cùng đó là thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, ban điều hành, nhóm công tác liên ngành về bảo vệ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về trẻ em tại các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp XHTE.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà Phát biểu tại buổi giám sát |
Từ năm 2015 - 2019, trên địa bàn tỉnh có 130 trẻ em bị xâm hại, trong đó trẻ em bị xâm hại là nữ 123 em, trẻ em là nam có 7 em. Tòa án Nhân dân hai cấp đã thụ lý 130 vụ án/180 bị can XHTE. Hình thức xâm hại chủ yếu là cố ý gây thương tích, mua bán, bắt cóc, xâm hại tình dục, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn... Nguyên nhân của tình hình XHTE được xác định do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của mạng xã hội, sự du nhập văn hóa ngoại lai không có chọn lọc, sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân. Các vụ án xảy ra tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, người phạm tội cũng như bị hại đa số là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung thảo luận, giải trình làm rõ nội dung liên quan như: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý về về công tác phòng, chống XHTE; việc tạo lập các thiết chế văn hóa để trẻ em được vui chơi, giải trí; công tác quản lý, xử lý các văn hóa phẩm độc hại trên mạng xã hội. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác xử lý thông tin tố giác tội phạm XHTE; công tác xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tình trạng XHTE. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ việc XHTE; những khó khăn, vướng mắc trong xử lý tình trạng XHTE; việc thực hiện, nhân rộng các mô hình phòng, chống XHTE…
Các sở, ngành của tỉnh cũng có ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, có hướng dẫn thống nhất, đồng bộ để các cơ quan tố tụng áp dụng giải quyết đảm bảo không vướng mắc. Cụ thể hóa hơn trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan; tăng nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất để các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình, đề án quốc gia về trẻ em.
Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang đề nghị: Các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với người dân ở các xã vùng sâu, xa, khu vực biên giới; có cơ chế phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin giữa các sở, ngành của tỉnh với các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống bạo lực, XHTE. Các cơ quan điều tra, tố tụng của tỉnh xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến XHTE đảm bảo kịp thời, đúng người, đúng tội... Đối với những ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sẽ được Đoàn ĐBQH, đơn vị tỉnh Hà Giang tổng hợp, có ý kiến trong thời gian tới.
Tin, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc