"Phòng chống dịch như chống giặc" để dập dịch tả lợn châu Phi
BHG - Ngày 7.6.2019, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 1747/UBND-KTTH, về việc thực hiện các giải pháp dập dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, thực hiện Công điện số 667/CĐ-TTg, ngày 4.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đối với các huyện, thành phố huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, bản vào cuộc thực hiện nghiêm các biện pháp dập dịch tả lợn châu Phi với phương châm “phòng chống dịch như chống giặc”. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh; trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế thì không nuôi mới (không tái đàn), chuyển sang nuôi các loài vật nuôi khác để bù đắp nhu cầu khi thiếu hụt sản phẩm thịt lợn. Cho phép vận chuyển, giết mổ ở trong nội tỉnh theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 3708/HD-BNN-TY, ngày 28.5.2019 để giảm áp lực về nguy cơ lây nhiễm bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước. Yên cầu phải lập, ban hành kế hoạch quản lý vận chuyển, giết mổ lợn cụ thể.
Thống nhất quan điểm Nhà nước hỗ trợ thiệt hại, không phải đền bù; việc hỗ trợ lợn tiêu hủy theo Quyết định số 1043/QĐ-UBND, ngày 30.5.2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chỉ đạo và theo dõi chặt chẽ việc tổng hợp số liệu lợn phải tiêu hủy; tuyệt đối không để lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi. Chỉ đạo việc rà soát và khẩn trương bố trí lại hệ thống cán bộ Thú y theo đúng quy định của Luật Thú y.
Các thành viên BCĐ phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại các huyện, thành phố theo phân công của tỉnh. Sở NN&PTNT theo dõi sát diễn biến của dịch tả lợn châu Phi để kịp thời tham mưu cho tỉnh các biện pháp dập dịch hiệu quả. Trên cơ sở hỗ trợ của Cục Thú y, khẩn trương triển khai thí điểm chẩn đoán nhanh bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các hộ chăn nuôi trong vùng dịch có lợn nghi bệnh, trường hợp âm tính thì tiếp tục nuôi để giết mổ. Trên cơ sở kết quả thí điểm, hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện.
Để biết rõ Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, mời bạn đọc ấn vào link kèm theo dưới đây.
ĐT
Ý kiến bạn đọc