Đảng bộ huyện Quang Bình chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vùng dân tộc và miền núi
BHG - Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, Đảng bộ huyện Quang Bình luôn quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện không có thôn trắng đảng viên, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ngày càng được nâng cao.
Bí thư Huyện ủy Quang Bình Triệu Tài Phong (thứ 2 từ phải sang) thăm mô hình trồng cam VietGAP ở xã Hương Sơn. Ảnh: Tư liệu |
Đảng bộ huyện Quang Bình hiện có 60 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 6.128 đảng viên; trong đó, đảng viên DTTS là 5.216 đồng chí, chiếm 85,1%. Nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn, từ năm 2014 đến nay, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo hệ thống chính trị đoàn kết, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Song hành cùng các giải pháp, Đảng bộ coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tạo ra những lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Với cách làm sáng tạo, BTV Huyện ủy đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phân công các đồng chí ủy viên BCH, BTV, các cơ quan, đơn vị phụ trách xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố dự họp để nắm bắt thực tiễn tình hình địa phương, giải quyết nhanh các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Lĩnh hội bài học kinh nghiệm quý báu, ở nhiều nơi đã thay đổi nội dung, phương thức sinh hoạt từ chi bộ thôn, tổ dân phố cho đến các chi hội, đoàn thể. Thời gian qua, việc sinh lồng ghép “4 chi hội” gồm: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên vừa góp phần giữ vững hoạt động của hệ thống chính trị, vừa động viên cán bộ, nhân dân phát triển kinh tế theo hướng người lao động.
Điển hình, vượt qua điều kiện của một địa bàn đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào DTTS, xã Yên Thành đang tập trung xây dựng và phát huy tốt vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị để thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra. Tìm hướng đi cho riêng mình, Đảng bộ xã xác định vai trò tiên phong của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là “then chốt”. Với đa số cán bộ chủ chốt từ xã đến thôn là người địa phương, nên các tổ chức này luôn bám sát, gần gũi đời sống người dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tháo gỡ các khó khăn để hướng dẫn nhân dân sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng Nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa. Tranh thủ các chính sách dân tộc và nguồn lực đầu tư của các cấp, Yên Thành đã tạo được những đột phá trong sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước theo hướng hàng hóa; giai đoạn 2015 - 2018, tổng giá trị sản xuất đạt gần 70 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng (năm 2018).
Trong xây dựng Đảng, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được triển khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đi đôi với phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng Nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng cao. Với điểm nhấn, hàng tháng, trong hệ thống chính trị cấp huyện, mỗi tổ chức lần lượt huy động lực lượng phát động xây dựng Nông thôn mới; còn ở cấp xã, thôn luân phiên giữa các tổ chức. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện ra quân được 61 đợt phát động “Ngày thứ 7 Nông thôn mới”, thu hút hơn 5.000 người tham gia; bà con hiến 4.200 m2 đất; mở mới 7,3 km đường giao thông các loại.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Cũng trong 5 năm qua, công tác phát triển đảng viên mới luôn được quan tâm. Hàng năm, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 81% trở lên, có trên 85% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh.
Đồng chí Triệu Tài Phong, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quang Bình, cho biết: “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vùng đồng bào dân tộc và miền núi cốt yếu nhất là con người và huyện ưu tiên người địa phương để thực hiện tốt công tác dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, sử dụng đội ngũ này để tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng người dân. Không chỉ từng bước kiện toàn về mặt tổ chức, hệ thống chính trị ở mỗi nơi phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, từng bước đi vào chiều sâu và hướng mạnh về cơ sở, chỉ có như vậy mới giữ được niềm tin sắt son của dân đối với Đảng”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc