Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT
BHG - Sáng 22.5, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT về Dự thảo Nghị quyết “Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang” và Dự thảo Phương án “Nâng tầm một số sản phẩm nông sản hàng hóa đặc thù trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030”. Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số sở, ngành...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận buổi làm việc. |
Dự thảo Nghị quyết “Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang” lựa chọn áp dụng với các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp, như: Cây ăn quả (cam, quýt, Hồng không hạt, xoài, mận, lê), cây dược liệu, chè, lúa, gạo chất lượng cao, trâu, bò, lợn bản địa, ong, cá nuôi lồng (Lăng, Chiên và Bỗng), trồng rừng sản xuất, rừng cây gỗ lớn. Các chính sách của nghị quyết tập trung vào hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết và khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Phương án “Nâng tầm một số sản phẩm nông sản hàng hóa đặc thù trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030” lựa chọn 5 sản phẩm gồm: Cam Sành, mật ong, thịt bò, thịt lợn địa phương và gạo chất lượng cao. Mục tiêu duy trì ổn định 5.000 ha cam cho thu hoạch trong giai đoạn 2020 – 2025 và 6.000 ha trong giai đoạn 2025 – 2030, với 45% sản lượng được chế biến, 15% tiêu thụ trong các siêu thị. Duy trì và phát triển đàn ong từ 50 đến 63 nghìn tổ, sản lượng mật đạt trên 300 tấn. Duy trì và phát triển ổn định đàn bò địa phương đạt 170 nghìn con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt từ 5.000 tấn/năm trở lên. Đảm bảo ổn định tổng đàn lợn đen địa phương khoảng 600 nghìn con, sản phẩm thịt hơi xuất chuồng đạt 40 nghìn tấn. Hoàn thiện 3 vùng sản xuất gạo chất lượng cao với tổng diện tích 29.500 ha, 80% diện tích áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất, chế biến, đưa giá trị sản phẩm tăng 10 – 15%...
Tại cuộc họp, các đại biểu đề xuất: Đối với Dự thảo Nghị quyết chỉ cần tập trung vào đối tượng áp dụng và định mức hỗ trợ đối với các hình thức liên kết; lựa chọn ngành hàng sản phẩm khuyến khích liên kết phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của tỉnh; quy định cụ thể định mức hỗ trợ theo từng hình thức liên kết. Dự thảo Phương án nên giảm bớt số sản phẩm để rút ngắn thời gian và kinh phí thực hiện; các nội dung hỗ trợ nâng tầm sản phẩm không nên trùng lặp với các chương trình chính sách hỗ trợ đã có và đang thực hiện…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu: Đối với Dự thảo Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung thêm một số sản phẩm trong danh mục ngành hàng khuyến khích liên kết; thống nhất nguồn vốn thực hiện từ Chương trình xây dựng NTM; áp dụng mức hỗ trợ tối đa theo Nghị định 98 của Chính phủ nhưng không được chồng chéo các chính sách; xây dựng báo cáo giải trình kèm theo dự thảo nghị quyết, đồng thời xây dựng dự thảo quyết định của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ thực hiện liên kết. Về Dự thảo Phương án, cần đổi tên thành Phương án “Nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, giai đoạn 2019 – 2020” và chỉ chọn 3 sản phẩm: Cam Sành, mật ong và gạo chất lượng cao để triển khai thực hiện. Mục tiêu cao nhất của phương án là nâng cao giá trị các sản phẩm. Đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể cho từng sản phẩm; nhiệm vụ, giải pháp triển khai cần ngắn gọn, đi vào từng khâu mang tính quyết định giá trị sản phẩm để sử dụng đúng nguồn lực, chuyên môn; xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện…
Tin, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc