Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận tại tổ về Công ước 98 và Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
BHG - Chiều 29.5, tại tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Nam, Quảng Bình đã tiến hành thảo luận về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
ĐBQH Vương Ngọc Hà phát biểu thảo luận tổ. |
Đối với nội dung việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước.
Với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Các vị ĐBQH tập trung thảo luận vào các nội dung như: Phạm vi sửa đổi, bổ sung; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan; mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa (Điều 108); tuổi nghỉ hưu (Điều 170); tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; bổ sung một ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh, liệt sĩ;....
Tham gia thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đã tham gia 2 nội dung là tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và quyền của thanh tra viên lao động: Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định chặt chẽ với các nội dung này để đảm bảo tính ổn định. Tại quy định về quyền của thanh tra viên lao động (Điều 126) Bộ luật bổ sung quy định “cho phép thanh tra viên lao động có quyền thanh tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước” đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát bổ sung các nội dung mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị cho đầy đủ. Cũng với nội dung này theo ý kiến đại biểu khi thanh tra lao động được coi là một nội dung của thanh tra chuyên ngành thì các quy định cần phải thống nhất với Luật Thanh tra để khi ban hành Bộ luật lao động mang tính khả thi cao.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc