Dịch tả lợn châu Phi lan ra 48 tỉnh thành, hơn 2 triệu con lợn bị tiêu huỷ
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về KT-XH sáng 31.5, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thông tin với các đại biểu về dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, nếu không có giải pháp tích cực, dịch tả lợn châu Phi sẽ lan rộng, vào cả những hộ chăn nuôi lớn.
Theo ông, đây là vấn đề rất lớn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra với ngành chăn nuôi trên thế giới. Dịch đã lan đến Việt Nam, trong khi đó ngành chăn nuôi lợn nước ta chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nông nghiệp; giá trị ngành nông nghiệp hiện khoảng một triệu tỷ đồng thì chăn nuôi lợn chiếm khoảng 90.000 tỷ, gần bằng 10%. Khu vực này giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ, 10.000 hộ trang trại quy mô lớn và vừa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. |
Trong cơ cấu thực phẩm, thịt lợn chiếm 70% về thịt trong bữa cơm hàng ngày của người dân.
Bộ trưởng Cường nói, khi dịch xảy ra ở Trung Quốc ngày 23/8/2018, sau một tuần Việt Nam đã ban hành công điện khẩn yêu cầu ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp kiểm soát cửa khẩu, biên giới. Đáng tiếc là đến ngày 1/2, ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở Hưng Yên. Dù các cơ quan chức năng, hộ chăn nuôi, người dân đã triển khai nhiều giải pháp, song do những đặc thù của loại bệnh này, đến nay dịch đã lan tới 48 tỉnh, thành, hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với 2 triệu con lợn (117.000 tấn) bằng 6,5% tổng đàn lợn toàn quốc. "Đây là thiệt hại vô vùng lớn", ông Cường nói.
Dự báo thời gian tới, với tình hình thời tiết phức tạp, điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc thù của bệnh, thì nếu không có biện pháp tích cực, dịch sẽ tiếp tục lan rộng đến những nơi chưa có; quay lại nơi ổ dịch đã qua 30 ngày; lan vào những hộ chăn nuôi lớn.
Theo ông, về giải pháp kỹ thuật phòng, chống dịch, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất đến lúc này; tất cả các trang trại lớn chưa có dịch do đảm bảo an toàn sinh học tốt.
"Chúng ta còn 94% đàn lợn sạch, chưa có bệnh nên cần tuyên truyền các biện pháp phòng dịch", ông Cường nhấn mạnh.
Đề phòng khủng hoảng thiếu thịt lợn, Bộ Công Thương đã cùng các đơn vị liên quan bàn giải pháp dự trữ thịt lợn đông lạnh, Chính phủ sẽ có biện pháp khuyến khích hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân không tăng đàn lợn lúc này, vì nguy cơ rủi ro cao; thúc đẩy các nhóm chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò); gia cầm; thuỷ sản.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tập trung nghiên cứu vắcxin; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế.
"Thủ tướng đã giao ngành nông nghiệp tổng kết 10 năm ngành chăn nuôi để xây dựng kịch bản, chiến lược chăn nuôi mới; chúng tôi sẽ trình vào tháng 10 tới", ông Cường nói.
THEO: VNEXPRESS.NET
Ý kiến bạn đọc