Họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với siêu bão Mangkhut
BHG - Để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do siêu bão Mangkhut gây ra, chiều 14.9, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với siêu bão Mangkhut. Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư; điểm cầu 27 tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo ứng phó với siêu bão Mangkhut tại tỉnh Hà Giang. |
Siêu bão Mangkhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin và bắt đầu ảnh hưởng đến đảo LuDong; dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng 15.9, mang theo sức gió cấp 14 - 15, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17.9, bao gồm 27 tỉnh, thành từ Nghệ An trở ra. Khi đi vào Biển Đông và đất liền, siêu bão có thể gây tác động xấu đến nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp của người dân, nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng thấp, sạt lở ở vùng cao là rất lớn.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban chỉ đạo T.Ư, các thành viên và địa phương cần chủ động xây dựng phương án đối phó, sẵn sàng chuẩn bị vật tư, thiết bị và con người phòng chống thiên tai. Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; cấm ra khơi xa vào thời điểm này; gia cố, đảm bảo cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản; tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, vùng thấp, trũng, ven sông, ven biển ra khỏi vùng nguy hiểm. Chủ động rà soát, triển khai các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng nhất là các khu sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khu sản xuất nông nghiệp. Kiểm tra vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đê điều, hệ thống giao thông, điện lưới, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời. Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật tình hình của siêu bão cũng như các biện pháp phòng chống, ứng phó của các địa phương.
Trên cơ sở chỉ đạo của T.Ư, về phía tỉnh Hà Giang, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến giao cho Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công điện khẩn chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt chống ngập úng ở địa bàn thành phố, thu hoạch lúa ở vùng thấp với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Cơ quan thường trực duy trì trực 24/24, thường xuyên tổng hợp báo cáo gửi Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lên phương án tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống chỉ đạo công tác khắc phục tại cơ sở; Sở NN&PTNT, Sở Công thương báo cáo tình hình đảm bảo hồ chứa các nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh, chủ động giám sát quá trình vận hành các hồ chứa; Sở GTVT thống kê, lên phương án chuẩn bị máy móc, phương tiện sẵn sàng khắc phục các tuyến giao thông khi xảy ra sạt lở; Sở LĐTB&XH, Hội Chữ thập đỏ có phương án hỗ trợ cho người dân khi bị ảnh hưởng đảm bảo hiệu quả, công bằng. Đồng thời, lực lượng vũ trang, ngành Xây dựng, TN&MT, Y tế, Đài khí tượng thủy văn, cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ được phân công cụ thể theo lĩnh vực theo dõi…
Tin, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc