Những "cánh chim" đầu đàn lĩnh vực sản xuất công nghiệp nông thôn
BHG - Khai thác tiềm năng, lợi thế để vươn lên... luôn được tỉnh ta chú trọng để sản xuất, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng. Trên cơ sở đó, việc cổ vũ, thúc đẩy xây dựng các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu luôn được tỉnh và ngành Công thương đặc biệt quan tâm: qua đó, đã xuất hiện những “cánh chim” đầu đàn trong lĩnh vực này.
Người lao động Hợp tác xã Hải Khang (Bắc Quang) - một trong những đơn vị được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018, đóng gói sản phẩm, chuẩn bị đưa ra thị trường. |
Hàng năm, cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được tỉnh tổ chức bài bản, nghiêm túc; đến nay trở thành hoạt động ý nghĩa với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã; các đơn vị đã và đang nỗ lực đầu tư, nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm CNNT trở thành những sản phẩm thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Năm 2018, cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tiếp tục đánh dấu sự thành công khi có nhiều sản phẩm tốt từ chất lượng đến mẫu mã. Có 14 sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn đến từ các địa phương: Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Xín Mần, thành phố Hà Giang, Bắc Mê; tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư của địa phương, đơn vị trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo ra những sản phẩm thực sự đặc trưng.
Quan sát thực tế cho thấy, ngoài chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao, 14 sản phẩm CNNT tiêu biểu năm nay có mẫu mã, bao bì rất đẹp. Đây là một “điểm cộng”, bởi ngoài việc được người tiêu dùng tin tưởng khi có vùng nguyên liệu sạch, vùng đất sản sinh ra những sản phẩm đặc trưng, thì hình thức đẹp cho thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có ý thức rất cao trong việc xây dựng, định hướng chiến lược phát triển thị trường.
Trong số các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh năm nay, khu vực Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn có 5 sản phẩm được công nhận; trong đó có sản phẩm mật ong Thành Đô, bánh Tam giác mạch, vỏ gối vuông của huyện Đồng Văn; mật ong Bạc hà Tuấn Dũng, rượu ngô Mê cung đá của huyện Mèo Vạc. Điều này khẳng định, lĩnh vực sản xuất CNNT đang gắn chặt với sự phát triển của du lịch – dịch vụ, gắn với thương hiệu du lịch và minh chứng khâu “đột phá” về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững đang thực sự đi vào cuộc sống.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến Công thương Phạm Văn Quang, cho biết: Để hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất CNNT, hàng năm tỉnh và ngành Công thương đều quan tâm, hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công Quốc gia và khuyến công địa phương cho nhiều đơn vị sản xuất, đặc biệt hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, giúp các đơn vị từng bước hoàn thiện sản phẩm. Việc tổ chức bình chọn các sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh hàng năm nhằm khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị sản xuất và sản phẩm tiêu biểu trở thành những “cánh chim” đầu đàn trong lĩnh vực này. Năm nay, sau khi bình chọn 14 sản phẩm tiêu biểu, tỉnh ta tiếp tục lựa chọn 2 sản phẩm đề xuất bình chọn sản phẩm tiêu biểu khu vực phía Bắc. Sản phẩm mật ong Bạc hà Tuấn Dũng và tinh bột nghệ của HTX Dịch vụ Nông - lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (Bắc Mê) được bình chọn là 2 trong 63 sản phẩm tiêu biểu khu vực phía Bắc.
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông - lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn chia sẻ: Cùng với sự nỗ lực của HTX, hỗ trợ từ nguồn khuyến công địa phương về máy móc, xây dựng lô – gô…; sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều thị trường lớn. Đây là nguồn động lực để HTX tiếp tục tìm hướng đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Bài, ảnh: PV
Ý kiến bạn đọc