Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác PCTT và TKCN tại Hà Giang
BHG - Chiều 23.8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do đồng chí Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh. Cùng dự còn có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các thành viên Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, đại diện một số công ty, nhà máy thủy điện trên hệ thống Sông Lô, Sông Miện, Sông Chảy.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành kết luận tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Đoàn nghe lãnh đạo Sở Nông NN&PTNT báo cáo công tác PCTT và TKCN của tỉnh. Theo đó, trong 5 năm qua (2014-2018), thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 51 người chết, 42 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 1.330 tỷ đồng. Điển hình trong năm 2017 tổng thiệt hại mưa lũ gây ra ước tính gần 300 tỷ đồng (chiếm 1,69% GDP của tỉnh). Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét hại, mưa, mưa đá, giông lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong đó, thiên tai làm 6 người chết, bị thương 6 người; số nhà bị ảnh hưởng là 2.968 nhà; 37 trường và điểm trường học bị ảnh hưởng bởi đất đá tràn vào, tốc mái hư hỏng; làm hư hỏng 3 trạm y tế; 212,7 ha lúa bị ngập úng, 10,22 ha mạ và 699 kg mạ giống bị hư hỏng; 41,5 ha cây thảo quả và 300 ha cây tam thất bị ảnh hưởng… Các tuyến Quốc lộ 4C, 34, 279, 280 bị sạt lở đất đá hơn 14.000m3; tỉnh lộ, đường liên xã và liên thôn bị sạt lở trên 1.200.000 m3; nhiều cầu gỗ, cầu xây, công trình thủy lợi, công trình nước sạch và bờ kè sông bị sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và cuộc sống của người dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên đến 260 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nêu rõ: Hà Giang là vùng đặc biệt khắc nghiệt, năm nào cũng xảy ra thiên tai. Ngoài mưa lũ, gió lốc, sạt lở, lũ ống, lũ quét thì Hà Giang còn gánh chịu các đợt rét đậm, rét hại, hạn hán… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai xem xét hỗ trợ thiết bị đo mưa để lắp đặt cho toàn bộ số thôn bản nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét gắn với đào tạo sử dụng. Tăng cường hơn độ chính xác về dự báo thời tiết… Xem xét bổ sung kinh phí cho tỉnh để hỗ trợ sửa chữa các công trình, hỗ trợ cho vùng bị thiên tai. Đài Khí tượng thủy văn (KTTV), Tổng cục KTTV và Bộ TN&MT tạo điều kiện cho Đài KTTV tỉnh Hà Giang có được số liệu KTTV đầu nguồn Sông Lô, Sông Miện trên lãnh thổ Trung Quốc, để phục vụ cho dự báo thủy văn trong mùa mưa lũ.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá cao sự chủ động, tích cực và những kết quả đạt được trong PCTT và tìm kiếm cứu nạn của Hà Giang, góp phần giảm thiểu đáng kể những hậu quả thiệt hại đối với người dân và phát triển kinh tế trên địa bàn. Đặc biệt là địa phương đã có những sáng kiến hay như: Việc đưa các kiến thức PCTT vào trường học; phủ lưới đen lên mái nhà để phòng chống mưa đá. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị Sở Công thương, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ thủy điện vừa và nhỏ; đối với các chủ hồ cần nâng cao trách nhiệm đối với vùng hạ du và có hệ thống thông tin kịp thời để UBND tỉnh có những chỉ đạo di rời khẩn cấp tránh những thảm họa có thể xảy ra. Việc đảm bảo 4 tại chỗ phải đảm bảo hệ thống thông tin, có phương án thông tin dự phòng. Một số kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ nghi nhận và sẽ báo cáo lên các cơ quan cấp trên và Chính phủ.
Tin, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc