Vị Xuyên phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị trong giám sát và phản biện xã hội
BHG - Sau 3 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; MTTQ và các tổ chức CT-XH trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên cho biết: Sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CT-XH, Quyết định số 218-QĐ/TW ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, BTV Huyện ủy Vị Xuyên đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị và các phòng, ban, các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Qua đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH, giữ vững QP – AN trên địa bàn.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Vị Xuyên phối hợp với HĐND các cấp giám sát việc thực hiện chế độ chính sách với học sinh bán trú theo Nghị định 116 Chính phủ tại xã Quảng Ngần. |
Trong quá trình triển khai thực hiện, MTTQ và các tổ chức CT-XH trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã tổ chức các hoạt động giám sát theo đúng chức năng, nhiệm vụ như: Giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; kết quả thực hiện Nghị quyết số 60 HĐND tỉnh “Quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức CT-XH ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; kết quả thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú theo Nghị định số 116 của Chính phủ… Thông qua các hoạt động giám sát đã góp phần làm sáng tỏ những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua giám sát, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Công tác tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng được MTTQ huyện và các đoàn thể CT-XH thực hiện nghiêm túc và hiệu quả theo phương pháp: Góp ý định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất, trọng tâm là tổng hợp ý kiến của nhân dân góp ý bằng văn bản trước các kỳ họp của cấp ủy, chính quyền; góp ý để đánh giá, nhận xét đối với các tập thể, cá nhân hàng năm. Trong năm 2017, MTTQ và các đoàn thể CT-XH là thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật đã tham mưu giúp UBND huyện tổ chức lấy ý kiến, tham gia vào 14 dự thảo, dự án luật và các văn bản pháp luật trước khi ban hành, gồm: Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi), Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi)… Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng chú trọng tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa nhân dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân. Trong năm 2017, Ban tiếp công dân huyện và Thanh tra huyện đã tiếp 47 lượt công dân, 135 đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; trong đó 100% đơn thư của công dân đều được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, MTTQ huyện và các đoàn thể CT-XH phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Trong năm 2017, tổ chức tuyên truyền tại các thôn, bản, tổ dân phố được 413 buổi/25.060 lượt người tham gia; tuyên truyền ngoại khóa ở các trường học được 18 buổi/5.800 lượt giáo viên và học sinh tham gia; tuyên truyền tại hội nghị quân - dân - chính các xã, thị trấn, thu hút 5.877 người tham dự; tuyên truyền tại chợ phiên các xã, qua các phiên tòa xét xử lưu động, các phương tiện thông tin đại chúng… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các Quyết định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là: Quá trình giám sát, phản biện, góp ý chưa bài bản; nhiều đề xuất, kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể CT-XH trong quá trình giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý ở nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa được chính quyền các cấp quan tâm xem xét đúng mức và phản hồi một cách thỏa đáng; việc lựa chọn, đăng ký nội dung giám sát, phản biện xã hội trong các tổ chức CT-XH ở cấp cơ sở còn chậm, lúng túng…
Có thể khẳng định, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị đã góp phần phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ và các đoàn thể CT-XH trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc