Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông
Chiều 04/6, phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn, theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân.
Trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về nhóm vấn đề: giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu Quốc hội với 21 lượt tranh luận, vẫn còn 17 đại biểu chưa kịp đặt câu hỏi và được đề nghị gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Nhóm vấn đề thứ nhất cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu đã nêu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn, theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội. Mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng chưa đầy 8 tháng, nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành giao thông vận tải, với những kết quả và biện pháp chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình thực trạng và đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Bộ trưởng đã thắng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành giao thông vận tải nói chung. Tuy nhiên, trong trả lời còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, chưa thỏa đáng nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lĩnh vực giao thông vận tải tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân nên được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua ngành giao thông vận tải đã được một số thành quả rất đáng ghi nhận, huy động được nguồn lực rất lớn trong xã hội để tham gia phát triển hạ tầng giao thông theo các hình thức BOT, PPP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa mới có thể chuyển biến một cách tích cực.
Qua chất vấn và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cho thấy vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, mất cân đối trong đầu tư. Phát triển các loại hình giao thông hiện nay đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Nhiều công trình chậm tiến độ, ùn, tổng mức đầu tư tăng và có thể nói rằng chất lượng đào tạo lái xe, ý thức tham gia của người dân vẫn còn kém nên tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn ngày càng bức xúc. Việc đầu tư các dự án BOT đường bộ trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hạn chế yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan có nội dung, nguyên nhân từ hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ nhưng cũng có điểm xuất phát từ khâu điều hành quản lý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung một số vấn đề sau đây:
Rà soát đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu giao thông, quy hoạch giao thông, trong đó chú trọng hệ thống đường sắt quốc gia, khẩn trương nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết vấn đề ách tắc quá tải giao thông.
Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn, có giải pháp thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm lợi ích thỏa đáng giữa nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của nhân dân.
Phối hợp với các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo tìm giải pháp đẩy mạnh, nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, dứt điểm hoàn thành một số dự án giao thông lớn, dự án chậm tiến độ, làm rõ trách nhiệm các tổ chức cá nhân liên quan đến việc kéo dài tiến độ tăng vốn đầu tư.
Sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn đã bố trí cho ngành giao thông, có phương án đầu tư phát triển ngành đường sắt, cân đối với các loại hình vận tải khác để giảm tải cho giao thông đường bộ và ưu tiên các tuyến kết nối các vùng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm hơn nửa số lượng tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Xử lý dứt điểm các "điểm đen" về an toàn giao thông, tập trung lập lại trật tự giao thông đô thị, đặc biệt là xử lý tình trạng ùn tắc tại các thành phố lớn, các tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đảm bảo giao thông thông suốt.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm và làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông của người dân và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông.
Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để huy động vốn, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế.
Triển khai kết nối hệ thống thông tin dữ liệu về thu phí để đảm bảo sự công khai, minh bạch đến hết năm 2019 toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước sẽ dùng hệ thống thu phí tự động không dừng và thực hiện việc kiểm toán, quyết toán tất cả các dự án BOT theo quy định. Đối với các trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không phù hợp đề nghị Bộ trưởng có các phương án xử lý dứt điểm, nhanh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.
* Ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất của Bộ Giao thông vận tải, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn thứ hai đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề: công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc