Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa, lũ tại huyện Quản Bạ
BHG - Ngày 26.6, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang đã đi kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa, lũ trên địa bàn các xã: Cán Tỷ, Đông Hà, Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Cùng đi có lãnh đạo huyện Quản Bạ và Văn phòng Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cùng đoàn công tác kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa, lũ tại thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ). |
Tại huyện Quản Bạ đã có mưa lớn và gió lốc trên diện rộng từ ngày 22 – 26.8 đã gây ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn về con người, tài sản. Theo báo cáo đã có 2 người chết do lũ cuốn trôi tại thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám; gần 30 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, bị đổ tường, sạt lở tại xã Đông Hà, Lùng Tám cùng gần 200 ngôi nhà bị ngập úng, ảnh hưởng nền, chân tường. Nước lũ cũng cuốn trôi nhiều tài sản có giá trị của nhân dân như xe máy, tivi, máy nông cụ và trên 270ha cây hoa màu, nông nghiệp tại các xã: Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà, Lùng Tám, Thanh Vân và Cán Tỷ… Với những thiệt hại về con người và tài sản ước tính tổng thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung khắc phục ngay hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Huyện đã sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ đối với các hộ gia đình có người bị chết 6 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 20 triệu đồng cho các hộ bị sập nhà hoàn toàn; 15kg gạo/khẩu cùng chăn, màn và một số vật dụng thiết yếu…
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cùng đoàn công tác kiểm tra khắc phục sạt lở gây ách tắc giao thông tại tuyến đường Lùng Tám – Thái An (Quản Bạ) |
Tại những điểm đến kiểm tra, động viên bà con, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con đã, đang chung tay cùng nhau khắc phục thiệt hại trước mắt nhưng đối với Hà Giang việc mất đi một chuồng trâu, con trâu, bò cũng là ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người dân mà hậu quả đó có khi phải 10 năm mới khắc phục hết thiệt hại. Tuy nhiên, với địa chất vùng cao núi đá, quy hoạch không thể đi trước, đón đầu và bất cứ ở đâu cũng có thể có thiên tai xảy ra bởi tại thôn Tùng Nùn cũng hơn 60 năm mới xảy ra thiên tai lũ quét… Cho nên tỉnh, huyện cần chú trọng hơn trong việc tiếp tục có sự hỗ trợ để vùng cao có được những ngôi nhà kiên cố, hạ tầng cơ sở; hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục tốt hơn là điều hết sức cần thiết cho bà con vùng cao hiện nay. Để làm được điều đó ngoài nội lực, tỉnh rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn cộng đồng hỗ trợ, không những chỉ khắc phục sự ảnh hưởng của thiên tai mà từng bước nâng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, trước dự báo thời tiết tiếp diễn khó lường trong những ngày tới, toàn tỉnh và các cấp, ngành, người dân cần đề cao tính chủ động, phòng giảm thiệt hại thấp nhất cho nhân dân…
Tin, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc