Kết thúc Chương trình Đối thoại Tái cơ cấu kinh tế tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 (Chương trình hành động chung tái cơ cấu tỉnh)
BHG - Chương trình hành động chung tái cơ cấu tỉnh Hà Giang, đó là nội dung cuối cùng trong Chương trình Đối thoại Tái cơ cấu kinh tế tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 diễn ra chiều 13.4, dưới sự chủ trì của các đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu đối thoại trong phiên đối thoại Chương trình hành động chung tái cơ cấu kinh tế tỉnh |
Trong những phân tích về “Pháp luật, quản trị Nhà nước và chính sách phát triển địa phương”, chuyên gia của FSPPM đặt câu hỏi: Đã có chính sách tốt thì cần tổ chức thực hiện như thế nào? Đội ngũ lãnh đạo có dám hành động? Làm thế nào để thúc đẩy phát triển (đi vào “vùng xám”) trong bối cảnh môi trường thể chế nước ta hiện nay… Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Chánh Dưỡng của FSPPM, gợi ý: Hà Giang có thể học tập kinh nghiệm của các địa phương khác, nhưng cần dựa vào điều kiện thực tế của địa phương mình để triển khai. Lưu ý, quỹ đất là chìa khóa thu hút doanh nghiệp đầu tư và giao thông là điều kiện quyết định sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan quản lý các khu kinh tế cần nhạy bén với sự thay đổi của thị trường; không quy hoạch các nhà máy với nghành nghề kỵ nhau trong một khu; kiện toàn Ban quản lý cửa khẩu; xây dựng kho ngoại quan tại khu kinh tế cửa khẩu…
Tổng hợp các bước triển khai nhằm thực hiện Chương trình hành động tái cơ cấu kinh tế của Hà Giang, các chuyên gia của FSPPM cho rằng: Hà Giang nên chọn một cách làm mới trên cơ sở nguồn lực của tỉnh, thể hiện bằng các nghị quyết, chỉ thị cụ thể triển khai thực hiện. Đồng thời, Hà Giang cần giữ mối quan hệ thương mại với nền kinh tế của Trung Quốc; lựa chọn ưu tiên giữa ổn định và khai thác các cơ hội; đề xuất nhu cầu về một hạ tầng chiến lược… Đồng thời, các chuyên gia của FSPPM chỉ ra tính khả thi trong chương trình hành động của các nhóm có thể thực hiện ngay; điều kiện then chốt để thực hiện Tái cơ cấu kinh tế Hà Giang và gợi ý những định hướng, khuyến nghị chính sách mang tính chiến lược…
Phát biểu tại phiên đối thoại cuối, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Hà Giang là tỉnh nghèo nhưng đã tiên phong giải quyết nút thắt để vượt qua thời kỳ đại công trường, từng bước phát triển bền vững và mạnh dạn nhận diện, đi vào “vùng xám” trong: Thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng; phương pháp chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong thu hút đầu tư; bố trí đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi kiện toàn, sắp xếp cơ quan, trong tổ chức bộ máy, cán bộ; xác định các vấn đề để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn địa phương. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhận định: Để tái cơ cấu nền kinh tế, cần quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo tỉnh đến từng cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận định những vấn đề đang tồn đọng là “vùng xám” và nghiên cứu làm thế nào để truyền cảm hứng tới cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình; xây dựng chương trình hành động “dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất và biết đề nghị”... Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cũng chỉ ra một số nội dung cần triển khai trong thời gian tới như: Xây dựng bộ dữ liệu chỉ tiêu thống kê mới, tin cậy để theo dõi nền kinh tế của tỉnh; trong công tác cán bộ, có cơ chế khuyến khích ngược và hỗ trợ có chọn lọc; quyết tâm tổ chức lại bộ máy và công tác cán bộ, nhất là tiếp tục mạnh dạn đi vào “vùng xám”; thực hiện quyết liệt nói đi đôi với làm… Đồng thời mong muốn các chuyên gia FSPPM và các nhóm nghiên cứu của tỉnh hoàn thiện nội dung các Chương trình hành động và nghiên cứu, khuyến nghị các giải pháp tái cơ cấu phù hợp, cụ thể và tối ưu cho Hà Giang…
Tin, ảnh: Duy Tuấn – Bùi Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc