Hội nghị tư vấn đánh giá tác động của Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh
BHG - Ngày 24.4, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn đánh giá tác động của Nghị quyết (NQ) 209 và NQ 86 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa. Dự Hội thảo có thành viên hội đồng tư vấn phản biện; lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện Thường trực UBND các huyện: Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang; các Ngân hàng thương mại Chi nhánh tỉnh Hà Giang.
Lãnh đạo huyện Vị Xuyên phát biểu ý kiến đóng góp tại Hội nghị. |
Đến nay, tổng số hộ đăng ký vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 15.163 hộ với tổng nhu cầu vốn vay gần 1.300 tỷ đồng. Tổng số hộ đã được giải ngân là 5.165 hộ, với số tiền là gần 450 tỷ đồng. Các nội dung vay vốn chủ yếu gồm: Vay vốn thâm canh chè, trồng cam, phát triển chăn nuôi, đầu tư phát triển cây dược liệu, xây dựng chuồng trại gia súc và xây dựng nhà máy chế biến... Quá trình thực hiện, NQ 209 và NQ 86 đã giúp cho người dân thay đổi nhận thức, tạo ra nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển các vùng có thế mạnh của tỉnh và nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên hiệp các Hội KH&KT thì tác động của NQ 209 và NQ 86 tới việc khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế...
Tại Hội thảo, đa số ý kiến tán thành với những tác động tích cực của NQ 209 và NQ 86 đối với việc khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã nêu những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện như: Văn bản hướng dẫn thực hiện NQ 209 và NQ 86 có nhiều điểm chưa rõ dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, khó áp dụng; việc thế chấp tài sản để vay vốn bằng Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vẫn còn bất cập; cần bổ sung, mở rộng phạm vi cho vay vốn phát triển các loại cây dược liệu, cây lâm nghiệp, cây chè trồng mới; chú trọng vấn đề đầu ra cho sản phẩm và sớm triển khai Bảo hiểm hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tránh rủi ro; cần đánh giá cụ thể chính sách hỗ trợ cho vay trực tiếp và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp trên địa bàn... Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh Hà Giang cũng đánh giá: Do nhu cầu vay vốn lớn, cán bộ tổ thẩm định cấp huyện mỏng, nhiều địa bàn tổ thẩm định cấp xã chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm dẫn đến công tác thẩm định mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Vấn đề kiểm tra, giám sát vốn vay còn hạn chế cũng gây khó khăn trong việc thu nợ lãi suất...
Kết luận tại Hội thảo, đại diện Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh ghi nhận tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Hội KH&KT tỉnh sẽ tổng hợp và sẽ có Văn bản trình UBND tỉnh trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc