Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030"
BHG - Chiều 18.4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Các đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, hội đặc thù của tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có Thường trực UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban liên quan…
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị. |
Tại hội nghị, PGS - T.S Trần Văn Ơn (đại diện Công ty Pharma) đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” giới thiệu những nội dung chính trong đề án; nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thông qua Dự thảo kế hoạch triển khai đề án năm 2018. Trong đó nêu rõ, chương trình xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với 6 nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, dược liệu, vải may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch - dịch vụ khu vực nông thôn), đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, mang tính đặc thù địa phương gắn với nét văn hóa truyền thống, điều kiện riêng có của tỉnh. Các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình kinh doanh tham gia đăng ký ý tướng sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Chương trình được chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (từ năm 2018 - 2020), lựa chọn 80 đến 100 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp, du lịch - dịch vụ nông thôn hiện có; phát triển mới 40 đến 50 sản phẩm theo chuỗi giá trị. Có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao cấp Quốc gia. Giai đoạn 2 (từ năm 2021 - 2030), có từ 700 đến 900 sản phẩm; phát triển mới 100 đến 150 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.
Trong năm 2018, tỉnh ta phải thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP các cấp; lấy huyện Quản Bạ làm thí điểm để tập trung thực hiện các nội dung theo Đề án. Mục tiêu, đối với sản phẩm cấp huyện có ít nhất từ 3 sản phẩm trở lên tham gia thi cấp tỉnh. Riêng đối với huyện Quản Bạ có ít nhất 6 sản phẩm trở lên tham thi cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh công nhận, chứng nhận ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 đến 5 sao …
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Thành lập ngay tổ tư vấn để tổ chức thực hiện từng nội dung trong kế hoạch theo lộ trình cụ thể; thành lập Trung tâm OCOP tại các địa phương. Các huyện, thành phố theo sát cách làm thí điểm ở Quản Bạ để có đánh giá sát thực, rút kinh nghiệm trong cách làm. Đối với huyện Quản Bạ là huyện làm điểm cần xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai thực hiện một cách chi tiết. Các huyện, thành phố còn lại tổ chức hội nghị triển khai, tiến hành lựa chọn các sản phẩm sẵn có để phát triển. Các ngành, địa phương hướng dẫn các tổ chức kinh tế, đơn vị kinh doanh, hộ gia đình đăng ký sản phẩm. Bố trí ngân sách từ nguồn xây dựng nông thôn mới và các nguồn sự nghiệp khác, kịp thời, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Tin, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc