Đối thoại Chính sách về Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 (Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hiện hữu)
BHG - Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hiện hữu, là nội dung thảo luận chủ yếu trong Chuyên đề “Phát triển doanh nghiệp” - Chương trình đối thoại Chính sách tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, diễn ra chiều 12.4. Các đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright (FSPPM) chủ trì buổi thảo luận.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Fulbright phân tích về Chuyên đề “Phát triển doanh nghiệp”. |
Trong chuyên đề này, Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright (FSPPM) phân tích sâu về các nút thắt trong phát triển doanh nghiệp tư nhân của Hà Giang như: Vị trí địa lý; tài nguyên thiên nhiên; quy mô địa phương; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa và xã hội; hạ tầng kỹ thuật; mặt bằng sản xuất kinh doanh , đất đai; ngân sách, đầu tư và tín dụng… Từ đó khuyến nghị hướng phát triển doanh nghiệp của Hà Giang: Phải có những lựa chọn ưu tiên chính xác; thu hút doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực trọng điểm; thẩm định kỹ các dự án đầu tư lớn về mặt hiệu quả KT – XH; xác định quỹ đất có thể sử dụng cho mục đích kinh doanh; quy hoạch và xây dựng bản đồ đất; tạo cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp với người dân trên cơ sở chia sẻ lợi ích… Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định: Những địa phương có lực lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển thì KT – XH ở nơi đó phát triển.
“Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 40% các doanh nghiệp có quy mô vốn tư 10 – 50 tỷ (hiện tại là 23%); thu hút mới 10 doanh nghiệp chiến lược; nâng chỉ số PCI của tỉnh lên 40/60 các tỉnh, thành phố…” Đây là một số mục tiêu chính mà Chương trình hành động do Nhóm nghiên cứu của tỉnh đề ra qua những phân tích của các chuyên gia FSPPM. Đồng thời xác định một số nhiệm vụ chính: Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hiện hữu; cải thiện khả năng tiếp cận đất đai; cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng; đổi mới công tác quản lý, chất lượng và bồi dưỡng nguồn nhân lực; rà soát các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp.
Điều hành phiên đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh yêu cầu Nhóm nghiên cứu và các đại biểu phân tích rõ: Kết quả sự lựa chọn ưu tiên chiến lược trong thu hút doanh nghiệp, cần đảo trọng tâm nào để phát triển doanh nghiệp? Chiến lược xúc tiến đầu tư đã đúng hướng? Nguồn lực có hạn nhưng chi tiêu chưa có trọng tâm, vậy cần làm gì? Làm thế nào để xây dựng doanh nghiệp địa phương hiện hữu thành công? Cơ chế hợp tác và chia sẻ chưa rõ ràng; cần điều chỉnh, xóa bỏ các thiết chế, định chế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư? Nghiên cứu tách bạch hơn nữa các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Các đại biểu thảo luận theo hướng nên lựa chọn lĩnh vực ưu tiên thu hút doanh nghiệp tập trung vào 3 trọng tâm chính trong phát triển kinh tế của Hà Giang là: Nông nghiệp, du lịch và thương mại biên giới; cần có một trung tâm phát triển quỹ đất giải quyết vướng mắc về đất đai và có sự sàng lọc doanh nghiệp, cẩn trọng khi chấp thuận đầu tư; mạnh dạn đi vào “vùng xám” trong giải quyết vướng mắc về đất đai… Đại diện các doanh nghiệp, HTX trăn trở: Chính sách thông thoáng nhưng để tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn; quỹ đất hạn chế…
Tin, ảnh: Duy Tuấn – Bùi Hương
[links()]
Ý kiến bạn đọc