Hội nghị bàn các giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc hà
BHG - Chiều 26.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp phát triển bền vững mật ong Bạc hà. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và đại diện các doanh nghiệp, HTX sản xuất mật ong Bạc hà trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận Hội nghị. |
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh cùng với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ngành chăn nuôi ong lấy mật đã phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện tổng đàn ong tại 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là 33.251 tổ với 2.522 tổ chức, cá nhân nuôi ong, sản lượng mật đạt 194.473 lít (trong đó: mật ong Bạc hà là 138.519 lít, còn lại là mật khác); 38 Tổ hợp tác, nhóm sở thích nuôi ong và có 13 HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến mật ong Bạc hà; 183 tổ chức, cá nhân được vay vốn nuôi ong theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng và trên 4,4 nghìn ha cây Bạc hà được hỗ trợ kinh phí trồng. Năm 2017, đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và in, cấp 115.500 tem thông minh truy xuất nguồn gốc cho 3 đơn vị thuộc Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Bạc hà Cao nguyên đá; công tác xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được các doanh nghiệp, HTX tích cực thực hiện tại các Hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham quan, đánh giá thực tế các sản phẩm mật ong Bạc hà của 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đánh giá: Các sở, ngành của tỉnh và 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã có nhiều cố gắng trong trong việc phát triển chăn nuôi ong lấy mật; sản phẩm mật ong Bạc hà được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng; giá trị của sản phẩm mật ong được nâng lên, qua đó người dân, doanh nghiệp và HTX có thu nhập ổn định; bắt đầu hình thành được mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân… Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm, quản lý Nhà nước đối với sản phẩm mật ong Bạc hà vẫn còn lúng túng, người dân chưa được hưởng lợi nhiều; nhiều đơn vị tiêu thụ, người tiêu dùng còn chưa được phân biệt rõ các sản phẩm mật ong Bạc hà, dẫn đến giá trị sản phẩm không cao; phương thức, cách thức tổ chức sản xuất cho người dân chưa rõ ràng; công tác quản lý chất lượng, hàng nhái chưa được sâu sát; việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế… Với quan điểm của tỉnh là phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà thành một sản phẩm đặc trưng, tăng thu nhập cho người dân vùng chỉ dẫn địa lý, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế và tạo sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Giao cho Sở Công thương là đơn vị chủ trì, tham mưu giúp tỉnh triển khai xây dựng, phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà; nghiên cứu, khảo sát, đưa ra các chủng loại, bao bì, nhãn mác, lô gô phù hợp nhằm kích thích người tiêu dùng; đề xuất giải pháp kiểm soát chất lượng mật ong Bạc hà từ đầu vào đến đầu ra một cách chặt chẽ; xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm một cách cụ thể; chủ trì khảo sát, thống nhất mức giá cụ thể đối với sản phẩm mật ong Bạc hà để tiện cho việc quản lý. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát 2 đề tài khoa học về ong, sớm nghiệm thu để chuyển giao thực hiện; nghiên cứu, đề xuất đặt hàng các thiết bị tét thử chất lượng và cách nhận biết sản phẩm mật ong Bạc hà một cách thuận lợi nhất; tham mưu, củng cố hoạt động của Hội nuôi ong. Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, ban hành Quy trình nuôi ong theo hình thức tổ chức sản xuất lại cho người dân theo chuỗi giá trị; tổ chức đào tạo cho các HTX, Tổ hợp tác về phát triển, kinh doanh sản phẩm mật ong Bạc hà; thành lập Tổ công tác phối hợp với các huyện rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi ong Bạc hà một cách cụ thể; chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tiến hành sản xuất con giống nhằm đảm cung ứng giống cho người dân; rà soát lại kế hoạch bảo tồn giống ong nội tại vùng chỉ dẫn địa lý của tỉnh để bổ sung thêm cơ chế, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây Bạc hà. Đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá, tổ chức lại sản xuất, phấn đấu đưa 100% các hộ nuôi ong vào các HTX; UBND huyện phải là đơn vị kết nối, chủ trì ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp, HTX và người nuôi ong trong việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm mật ong Bạc hà; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho người dân về nghề nuôi ong; quản lý chặt chẽ chất lượng mật ong tại các địa phương…
Tin, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc