Tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới
BHG - Xác định hội nhập và hợp tác quốc tế là “chìa khóa” để phát triển trong tiến trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế hiện nay; tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm tăng cường các mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT – XH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh ta đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định ba lĩnh vực, mục tiêu cơ bản là: Hội nhập về kinh tế quốc tế; hội nhập về chính trị, quốc phòng và an ninh; hội nhập về văn hóa, xã hội, dân tộc, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác. Cụ thể hóa các mục tiêu này, tỉnh đã tập trung mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng với ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các lĩnh vực, ngành. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 26.7.2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động về thông tin đối ngoại; Văn hóa đối ngoại; Đề án phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, xuất khẩu lao động đến năm 2020 và các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KT – XH, hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đến nay, tỉnh ta đã thiết lập quan hệ hợp tác cấp Tỉnh ủy, chính quyền các cấp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc); thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Benguet (Philippines); triển khai thiết lập mới và thực hiện các cơ chế hợp tác song phương từ tỉnh đến cơ sở theo ngành, lĩnh vực; có mối quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài; tích cực triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 dự án, chương trình của 16 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đang hoạt động; tiến hành thu hút 9 dự án ODA và tiếp tục triển khai thực hiện 22 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn. Năm 2017, tỉnh ký kết mới 10 thỏa thuận, hợp tác quốc tế và tiếp tục triển khai thực hiện 19 thỏa thuận đang còn hiệu lực; tổ chức 4 hội nghị, hội thảo quốc tế và tham dự 4 hội thảo, diễn đàn quốc tế.
Hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu diễn ra ổn định, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng nhanh qua từng năm. Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần hỗ trợ phụ trợ công nghiệp Nhật Bản tại Hà Giang; xây dựng thỏa thuận khung hợp tác thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Phục hồi chức năng liên doanh Nhật – Việt giai đoạn 1; các hoạt động ngoại giao văn hóa được chú trọng, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu; tổ chức các hoạt động quảng bá về mảnh đất, con người Hà Giang. Năm 2017, toàn tỉnh có 133 đoàn/679 lượt cán bộ, công chức đi làm việc, giao ban định kỳ, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, học tập và tự túc đi khám, chữa bệnh, tham quan, du lịch tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh với cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong quản lý an ninh, tật tự trên tuyến biên giới được duy trì hiệu quả. Công tác đối ngoại nhân dân được tăng cường; tỉnh đã thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hà Giang; Hội hữu nghị Việt - Trung; Hội hữu nghị Việt – Lào; triển khai kế hoạch ký kết thôn, xã, thị trấn, huyện biên giới hai bên.
Là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh tuy còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tiềm lực của tỉnh còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, công tác hội hập quốc tế chưa đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, với sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao, kinh tế phát triển ổn định và cơ chế quản lý, phối hợp hiệu quả; tin rằng tỉnh ta sẽ từng bước tiến nhanh trên con đường hội nhập.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc