Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Luật Quy hoạch
Sáng 24.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Quy hoạch với 433 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, bằng 88,19%.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án Luật Quy hoạch. |
Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2018. Việc chuyển tiếp thục hiện các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực cũng được quy định rõ trong Luật. Bên cạnh đó, 8 luật được sửa đổi, bổ sung ngay tại Điều 57 của Luật Quy hoạch, với các quy định có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch. Tại mục lục ban hành cùng Luật Quy hoạch cũng đưa ra các điều khoản cụ thể cần sửa đổi tại 25 bộ luật, luật, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, giúp triển khai hiệu quả Luật này.
Hệ thống quy hoạch quốc gia được Luật Quy hoạch điều chỉnh gồm 5 loại. Trong đó, quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Hệ thống quy hoạch quốc gia còn có quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (do Quốc hội quyết định) và quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Do lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, lần đầu tiên được sử dụng ở nước ta nên khi thảo luận Dự án Luật Quy hoạch, một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị làm rõ phương thức này được quy định tại Điều 16. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng thừa nhận, đây là lần đầu tiên khái niệm lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp được luật hóa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng. Nhưng thực hiện xây dựng quy hoạch theo phương thức này sẽ giúp thống nhất các quy hoạch, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của ngành, địa phương. Quy trình lập quy hoạch tích hợp cần có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước; được xây dựng từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định…
Theo quochoi.vn
Ý kiến bạn đọc