Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: "Nhiều cán bộ không được bổ nhiệm, luân chuyển vì bị tố cáo"
Nhiều trường hợp cán bộ không được xét quy hoạch, bổ nhiệm…do có đơn thư tố cáo mặc dù chưa có kết luận về tính đúng, sai.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo sửa đổi, sáng 8.11, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với người bị tố cáo, Ủy ban Pháp luật tán thành việc dự thảo Luật quy định rõ quyền của người bị tố cáo là: “Được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi chưa có kết luận của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định |
Theo ông Nguyễn Khắc Định, trên thực tế, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không được xét quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển… do có đơn thư tố cáo mặc dù chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về tính đúng, sai của nội dung tố cáo.
“Điều này vừa không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo, đồng thời tạo sơ hở để một số đối tượng lợi dụng tố cáo làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi chính đáng của người khác, nhất là trong các dịp chuẩn bị quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm...” – báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Do đó, việc ghi nhận quyền nêu trên trong luật sẽ góp phần nâng cao tính thận trọng, khách quan, khẩn trương trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo, trong công tác cán bộ nói chung, hạn chế việc lợi dụng tố cáo vì các mục đích cơ hội.
Nói về tố cáo nặc danh, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, dự thảo luật chỉ điều chỉnh với các trường hợp đơn nặc danh có bằng chứng, thông tin rõ về người vi phạm, nhưng thực tế số lượng các đơn nặc danh, mạo danh rất nhiều, có thể dưới dạng tờ rơi, phức tạp vô cùng.
Theo ông, những đơn này có thể không được xem xét nếu chiếu theo dự thảo luật nhưng lại gây dư luận xấu, gây mất uy tín khiến người ứng cử mất phiếu, trật phiếu.
“Thường những người làm được việc, dám nghĩ dám làm, nói thẳng nói thật, dám chỉ ra những mặt xấu của cơ quan là bị nặc danh nhiều. Trước bầu cử Quốc hội, có những đại biểu rất thẳng, lo cho cho dân nhưng mà trật. Hay ở có đồng chí cấp chỉ huy, cấp lãnh đạo mà không trúng Đảng uỷ”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa nêu.
Ông cũng đặt vấn đề, với những trường hợp này thì bảo vệ và phục hồi cho họ như thế nào? Trong khi những người viết đơn nặc danh không có chế tài xử lý, ngay cả khi phát hiện ra vẫn không thể cho thôi việc, không kỷ luật được.
Cùng chung băn khoăn, đại biểu Trịnh Thị Ngọc Thuý (đoàn TP.HCM) cho rằng không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu. Khi cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo. Rõ ràng, quyền, lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm. Cơ quan tổ chức có thể mạnh dạn làm quy trình cán bộ khi có những đơn này và khi đơn tố đúng thì mạnh dạn bãi miễn. Như thế sẽ không mất cơ hội của cán bộ.
Theo nữ đại biểu, nếu làm được như trên, các đơn tố cáo mục đích xấu sẽ giảm, cơ quan nhà nước cũng sẽ không mất thời gian giải quyết. Đồng thời, công chức cũng sẽ bộc lộ tính năng động, không sợ đụng chạm, tạo cớ cho người khác làm đơn tố cáo không đúng.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết thực tế có nhiều cán bộ bị tố cáo nhưng không đúng, nếu thời gian giải quyết tố cáo kéo dài mà người bị tố cáo đang được đề nghị bổ nhiệm thì có thể làm mất cơ hội của người đó.
“Giải quyết tố cáo theo tinh thần cải cách hành chính, càng ngắn càng tốt, nhưng vẫn đủ thời gian ta đi thẩm tra, xác minh, cố gắng đừng kéo dài. Mỗi con người, mỗi sự nghiệp chính trị chỉ cần lỡ thời gian là ảnh hưởng tới cả sự nghiệp của họ” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc