Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt

10:38, 12/11/2017

Chiều 11.10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đây là lần đầu tiên dự án Luật này được trình ra Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt nhằm luật hóa chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về đặc khu kinh tế và xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Đảng. Những năm gần đây, việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Mặc dù vậy, kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý một số đặc khu, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao là tiền đề quan trọng để chúng ta thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Dự thảo Luật có kết cấu gồm 6 Chương với 104 Điều và 5 Phụ lục gồm các quy định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội; Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; Quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án tổ chức và hoạt động của chính quyền phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phương án 1, chính quyền địa phương đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính. Phương án 2, tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Thẩm tra Tờ trình dự án Luật này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhận thấy việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và kết cấu của dự thảo Luật, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là quy định các cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội áp dụng chung đối với 3 đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, có tính đến đặc thù của từng đơn vị.

Về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, theo như 2 phương án của Chính phủ trình, qua thảo luận, trong Ủy ban pháp luật có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; bảo đảm tính đại diện và quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân ở các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị cần rà soát để thiết kế lại cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá. Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến thêm về vấn đề này.

Theo Tờ trình và hồ sơ dự án Luật, Chính phủ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết và đề án thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Quốc hội cho ý kiến và sẽ tiếp thu hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (đồng thời với dự án Luật) theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các đề án về 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới chỉ là dự thảo do các địa phương chuẩn bị, chưa được Chính phủ thông qua. Theo quy định tại Điều 76 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ phải xây dựng đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội; đề án phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương, được các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ mới tập trung hoàn thành thủ tục trình dự án Luật, còn các bước nêu trên chưa hoàn thành, do đó, Ủy ban Pháp luật không có cơ sở để thẩm tra, báo cáo Quốc hội về các đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy đây là một dự án Luật lớn, nội dung phức tạp. Để bảo đảm tính đồng bộ trong việc xem xét, thông qua dự án Luật và thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì ngoài việc hoàn thiện các nội dung trong dự thảo Luật, xây dựng và trình Quốc hội các đề án thành lập đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt như đã nêu, Chính phủ và các cơ quan có liên quan còn phải xây dựng các đề án bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đúng yêu cầu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tích cực hơn nữa trong việc chuẩn bị các phương án chuyển tiếp về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, người lao động cả ở cấp huyện và cấp xã tương xứng với phương án tổ chức chính quyền, bảo đảm ổn định đời sống của người dân.

Với khối lượng công việc lớn và tính chất phức tạp như trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thành các công việc nhằm bảo đảm tiến độ xem xét, thông qua dự án Luật và các đề án liên quan như dự kiến. Căn cứ vào kết quả chuẩn bị và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nếu hồ sơ chuẩn bị đầy đủ, đúng tiến độ, chất lượng tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể trình Quốc hội quyết định việc thông qua các đề án, nghị quyết và dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV.

Ngay sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật này.   

Theo quochoi.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch nước họp báo công bố kết quả Hội nghị Cấp cao APEC

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì họp báo, thông báo Hội nghị Cấp cao APEC đã thành công tốt đẹp và thông qua 5 nội dung quan trọng. Tại cuộc Họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thông báo những kết quả quan trọng đã đạt được trong Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC 2017 cũng như 5 nội dung chính mà các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã thảo luận và thông qua.

11/11/2017
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lê Quang Minh tham gia lao động cộng sản ở huyện Bắc Quang

BHG - Ngày 11.11, Đảng ủy thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) tổ chức chương trình ra quân lao động cộng sản với chủ đề "Ngày thứ bảy chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM)" tại thôn Thanh Tân. Đồng chí Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đã đến động viên và tham gia lao động cùng toàn thể bà con nhân dân trong thôn...

11/11/2017
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Ngày 11.11, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 - 12/11 theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cùng đi với Tổng thống Donald Trump có: Ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Hoa Kỳ; ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông John Kelly, Chánh Văn phòng Nhà Trắng; ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ; ông McMaster, Cố vấn An ninh quốc gia; ông Stephen Miller, Trợ lý Tổng thống, Cố vấn cao cấ

11/11/2017
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018

Với 84,93% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018. Trước đó, cũng trong phiên họp này, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

11/11/2017
Tổng đài Tư vấn luật 19006174