Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV: Xử lý các Tổ chức tín dụng yếu kém
Ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, triển khai công tác nhân sự và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Kon Tum thảo luận ở Tổ sáng 27.10. Ảnh: CTV |
Đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Báo cáo cho biết: Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH tại kỳ họp thứ ba, tại phiên họp tháng 9-2017, Ủy ban Thường vụ QH đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, sau đó đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn thiện gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH. Đến ngày 20-10, đã có 26 Đoàn đại biểu QH gửi ý kiến tham gia.
Thảo luận về dự án luật này, chủ trương không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm góp ý kiến. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên tắc xuyên suốt là không sử dụng ngân sách nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, đối chiếu với dự án Luật cho thấy, nguyên tắc này trong một số trường hợp chưa được quán triệt một cách triệt để. Thể hiện trong việc cho vay các khoản vay đặc biệt, theo quy định của dự án Luật, các tổ chức tín dụng được hưởng các khoản vay đặc biệt, vay từ Ngân hàng Nhà nước, từ bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, trong dự án Luật lại chưa làm rõ trong trường hợp áp dụng các biện pháp hỗ trợ nêu trên, các tổ chức tín dụng vẫn không thể phục hồi, vẫn phá sản không có khả năng thanh toán các khoản này thì sẽ xử lý như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm về các khoản vay này? Về nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại một số quốc gia trên thế giới, Nhà nước vẫn sử dụng tiền thuế của dân để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nhưng có phương án tái cơ cấu, phục hồi rõ ràng, toàn bộ quá trình này sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, nhằm tạo niềm tin trong nhân dân.
Nhiều đại biểu quan tâm quyền lợi của người gửi tiền khi tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, dự án Luật này có nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước. Trong quá trình đó, quyền lợi của người gửi tiền cần được ưu tiên hàng đầu bởi nhiều nơi nguồn kinh phí người gửi chiếm tới 85% nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Tại kỳ họp thứ ba, dự án Luật có quy định cụ thể về các biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền khi thực hiện phá sản tổ chức tín dụng yếu kém nhưng tại kỳ họp này lại không còn quy định này. Vậy quyền lợi của người gửi tiền sẽ xử lý như thế nào nếu phá sản tổ chức tín dụng? Đề nghị dự án Luật cần làm rõ các quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trước và sau cơ cấu lại.
Theo Nhân Dân điện tử
Ý kiến bạn đọc