Đột phá về cải cách hành chính từ quyết tâm đến hiệu quả
BHG- Sau hơn một năm triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn II (2016 – 2020) của UBND tỉnh, với việc phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ; đến nay, công tác CCHC Nhà nước trên địa bàn tỉnh đang có bước đột phá, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch với cơ quan hành chính theo hướng hành chính phục vụ, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của địa phương.
Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. |
Quyết tâm tạo đột phá:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, UBND tỉnh đã tham mưu ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, các văn bản chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công tác CCHC. Với quyết tâm cao, các sở, ngành, địa phương đã thành lập Ban, Tổ chỉ đạo CCHC để giúp người đứng đầu theo dõi và tổ chức thực hiện chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Qua tìm hiểu, ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã có những quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành CCHC. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh năm 2017; trong đó, xác định đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực về cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Để cụ thể hóa Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch CCHC trong phạm vi quản lý. Trong quá trình thực hiện, các huyện và Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công đã có nhiều sáng kiến trong chỉ đạo CCHC; qua đó tạo chuyển biến đáng kể trong giải quyết thủ tục hành chính TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Mặc dù CCHC trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt, có hiệu quả, nhưng vẫn cần phải nhìn thẳng vào thực tế công tác kiểm soát, rà soát, chuẩn hóa TTHC của một số cơ quan, đơn vị còn chậm nên việc công bố, công khai TTHC chưa kịp thời; việc giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3 còn ít; cơ chế “một cửa liên thông” mới thực hiện được một số TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh; các lĩnh vực về đầu tư đất đai, cấp phép xây dựng, tư pháp chưa thực hiện. Việc triển khai Nghị định số 16 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chưa có lộ trình cụ thể; văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số được liên thông các cơ quan, đơn vị còn ít; một số cơ quan, đơn vị chưa tận dụng, sử dụng hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có...
Trước tình trạng đó, để tạo bước đột phá, BCĐ CCHC tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC giai đoạn 2016 – 2020; tăng cường tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy KT – XH.
Ghi nhận từ thực tiễn:
Với quyết tâm cao, cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả đã giúp công tác CCHC Nhà nước trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước; công tác quản lý cán bộ, CCVC từng bước được đổi mới; việc tăng cường ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã thay đổi căn bản quy trình, tiết kiệm và nâng cao chất lượng quản trị văn phòng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Được biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định cắt giảm thời gian thực hiện với 598 THHC, ban hành 19 Quyết định công bố TTHC với tổng số 697 TTHC; các TTHC sau khi công bố được cập nhật vào cơ sở dữ liệu Quốc gia, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin của cơ quan, đơn vị để phục vụ tổ chức, cá nhân nhanh chóng, thuận lợi. Hiện toàn tỉnh có 18 sở, ngành thực hiện cơ chế “một cửa điện tử” tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh; 11/11 huyện, thành phố; 195/195 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa” (trong đó 5/11 đơn vị hành chính cấp huyện thành lập Trung tâm Giải quyết TTHC công). Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào quy trình giải quyết TTHC. Thực tiễn cho thấy, sau khi các sở, ngành tiếp nhận trên 5.600 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn trên 5.000 hồ sơ; cấp huyện tiếp nhận trên 18.000 hồ sơ, giải quyết đúng hạn và trước hạn trên 17.800 hồ sơ; cấp xã tiếp nhận trên 155.700 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn trên 155.600 hồ sơ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, thực sự tạo đột phá về công tác CCHC, tỉnh đang chú trọng cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; quan tâm đến xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm đến cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính bằng việc triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã; bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc