Vinh quang và trách nhiệm
BHG- “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui/Chọn những bông hoa và những nụ cười... Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim”. Lời bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi thông điệp đến mọi người về quan điểm sống lạc quan, chọn niềm vui là điểm xuất phát trong cuộc sống. Đó cũng trở thành quan điểm sống cùng làm việc của tôi và những người làm báo nơi cực Bắc Tổ quốc. Làm nghề báo vốn đã vất vả, đặc biệt với địa phương như Hà Giang thì công việc ấy lại càng gian nan. Nhưng nói gì thì nói, nghề báo thật là thú vị, khó - dễ - nhàn - vất đều tùy thuộc vào cái tâm, trách nhiệm của người làm báo.
Phóng viên Báo Hà Giang Điện tử tác nghiệp tại vùng cam xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang). |
Làm phóng viên không phải là nghề lao động 8 giờ hành chính, có khi mọi người được nghỉ ngơi lại là lúc phóng viên (PV) chúng tôi bắt tay vào viết. Nghề báo thực sự phải sáng tạo không ngừng nghỉ bởi sau khi hoàn thành bài viết, PV lại tiếp tục lên lịch công tác, đề xuất kế hoạch xuất bản cho tháng tới. Tất cả cứ như một vòng quay vô tận. Tháng 6 năm nay, mưa nhiều, hoa phượng và bằng lăng cực Bắc nở cũng nhiều, gợi tôi nhớ lại những kỷ niệm và cũng là nhân duyên cho tôi ước mơ, tình yêu và sự gắn bó với nghề làm báo.
Ở Báo Hà Giang, những PV chúng tôi chỉ có chung một phòng sinh hoạt chung gọi là “Phòng Phóng viên”, chưa phân ban riêng. Tôi nhớ, có lần gặp các bạn đồng nghiệp cùng làm báo ở miền trong và dưới xuôi, các anh chị đều thắc mắc: “Nếu chưa phân ban, các bạn, ai cũng đều có thể viết tổng hợp tất cả các mảng à? Các bạn tài quá!” Thật đúng như vậy, nếu như ở địa bàn các tỉnh miền xuôi, có tỉnh đi đến thôn xa nhất chỉ khoảng 30 km đường bê-tông đến tận nơi, thì với PV ở Hà Giang, xuất phát từ trung tâm thành phố, đi đến thôn biên giới xa nhất là 200 km, thậm chí phải ngủ lại nhà dân vì khi đã xong việc thì trời tối quá rồi. Mỗi lần đi công tác huyện như vậy, mỗi PV chúng tôi đều cố thu thập thật nhiều tài liệu, trong một chuyến đi khoảng vài ngày để không uổng phí công sức đi lại vất vả. Tôi còn nhớ như in lần đi vào xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ), tôi đến thăm một thôn khó khăn phải ngủ lại không về được. Bà con nói: “Cán bộ biết bà con khổ, thì phải ăn, ở cùng, uống rượu cùng tâm sự mới biết, chứ đừng đến một tý rồi đi luôn không biết cái gì đâu”. Làm báo cho người vùng cao phải như những người bạn chân thành và chung thủy. Vì đó không chỉ còn tình yêu nghề, mà còn bằng sự kiên nhẫn, sự cảm thông với bà con.
Còn nhớ tháng 3 năm ấy, thời tiết lạnh, bầu trời càng u ám khi những cơn mưa phùn phủ khắp núi đồi. Tuyến đường 6 km đi hết gần 1 giờ đồng hồ vào thôn Nàng Cút, xã Thu Tà (Xín Mần), càng trở nên khó khăn hơn khi màn sương giăng kín lối, đám trẻ con chơi trò đuổi bắt và đàn lợn đen được thả rông chạy nháo nhác. Những mái nhà trình tường lụp xụp, những đống rơm khô queo xác xơ trong gió, vài con trâu lông dựng đứng, co quắp vì lạnh đứng nhai rơm... Đến đây, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những cô gái ở độ tuổi ngoài đôi mươi, nhiều cô đã trở thành mẹ của đàn con đông đúc. Anh Trưởng thôn nói: “Ở đây, hầu hết nhà nào bố mẹ cũng đi làm nương từ 6 giờ sáng, con nhỏ thì cõng theo, mang cơm nắm lên đồi ăn, trưa không về vì nương xa, làm đến 6 giờ tối về. Con thì đứa lớn hơn cứ để ở nhà tự chơi với nhau thôi. Các cháu bỏ học cũng có, vì đi học không có người trông ngô, lúa để ăn”.
Câu trả lời của anh cũng là tình trạng chung về thực tế nghèo khó của bà con khu vực Cao nguyên đá và các huyện miền Tây Hà Giang. Khi mà nhận thức sinh đông con, nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành còn khá xa xôi ở nơi đây, khiến tôi và các cán bộ đi cùng không khỏi chạnh lòng, khi nghĩ đến tương lai của những đứa trẻ sau này. Mặc dù cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại đã có nhiều nỗ lực để giúp họ bớt nghèo, nhưng ngoài những khó khăn chung của về điều kiện phát triển KT-XH thì “bài toán” thoát nghèo chưa tìm được lời giải đang nằm ở nhận thức “chưa nhìn được xa” của bà con dân tộc thiểu số.
Nói như vậy để thấy, không phải nghề báo chỉ có sự vất vả, khắc nghiệt, mà nó còn đem lại cho người làm báo có những cái “được” không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều, mối quan hệ rộng, hiểu biết xã hội được nâng cao. Và tuy vất vả, nhọc nhằn và nhiều hiểm nguy, nhưng những người làm báo còn rất nhiều niềm vui, hạnh phúc và vinh quang. Đó là luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của bạn và của các cấp, các ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Hạnh phúc lớn hơn với mỗi PV là hiệu ứng từ những tác phẩm báo chí được công chúng đón nhận, có tác dụng sâu sắc tới đời sống xã hội. Tất cả trở thành niềm vui, tự hào và là bằng chứng khẳng định vinh quang của những người làm báo. Mỗi nghề đều có những đòi hỏi, khó khăn riêng, nhưng nghề báo thì đặc biệt khắt khe. Vì người theo nghề báo phải thường xuyên vắt óc suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, lăn lộn với cơ sở, đi sớm về khuya, thức đêm dậy sớm để có được “đứa con tinh thần” sau bao ngày “thai nghén”. Trong khi đó, không phải tác phẩm báo chí nào làm ra cũng được các cơ quan báo chí sử dụng.
Ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, khó thì nhiều, dễ chỉ duy nhất lòng dân thật thà, chịu khó. Tác nghiệp tại cơ sở đôi khi phải “3 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng hiểu. Rồi đồng bào ăn mèn mén thì mình cũng ăn mèn mén, uống rượu ngô thì mình thử rượu ngô, rồi cùng góp phần tuyên truyền, chỉ cho bà con cách làm để xóa đói, giảm nghèo, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh... Và câu hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” trở thành quan điểm sống, làm việc của tôi khi gắn mình với nghề làm báo. Vì nếu nhụt chí, không vui thì sao mà làm được nghề kén người này? Tuổi đời, tuổi nghề vẫn còn là cả một chặng đường dài phía trước và chúng tôi, những người làm báo trẻ hiểu rằng, cần luôn lắng nghe, quan sát học hỏi để có những tác phẩm ngày càng sâu, sát cuộc sống.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc