Huyện "cửa ngõ" phía Nam vững vàng 70 năm dưới cờ Đảng quang vinh
BHG - Trong những ngày tháng Năm lịch sử, hòa cùng niềm vui chung của dân tộc chào mừng 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19.5.1890 - 19.5.2017), Đảng bộ huyện Bắc Quang bước sang mốc son sáng ghi dấu 70 năm xây dựng và trưởng thành (15.5.1947 – 15.5.2017). Xuyên suốt chặng đường lịch sử, dưới ánh sáng vinh quang của Đảng, huyện Bắc Quang đang chuyển mình bứt phá về kinh tế, xứng đáng vai trò vùng động lực nơi “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh.
Ngày 15.5.1947, Đảng bộ huyện Bắc Quang được thành lập. Từ đây, ánh sáng của Đảng thêm chan hòa trên khắp quê hương Bắc Quang, xua tan cảnh sống ngột ngạt về chính trị, bần cùng về kinh tế khi trước đó, nhân dân chịu cảnh đàn áp, bóc lột chung của thực dân Pháp và phát xít Nhật... Xuyên suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Bắc Quang đã thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, với tinh thần: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng Bắc Quang thành huyện phát triển”. Và trong lĩnh vực phát triển kinh tế luôn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và đồng bộ của chính quyền, sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Do vậy, chặng đường 70 năm dưới cờ Đảng quang vinh đã hun đúc nên những kết quả nổi bật của huyện Bắc Quang trên lĩnh vực kinh tế.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng Thanh long ruột đỏ trái vụ, cho thu nhập cao của anh Đỗ Đại Tuân (xã Đồng Yên). Ảnh: THU PHƯƠNG |
Thực tiễn chứng minh, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao. Điển hình, như: Vùng trồng cam, quýt (với diện tích 3.106 ha, sản lượng 11.902 tấn/năm); vùng trồng chè (5.755 ha, sản lượng búp tươi đạt 25.495 tấn/năm); vùng trồng lạc (2.613,5 ha, sản lượng 7.785 tấn/năm)... Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đến nay, một số sản phẩm chủ lực của huyện, như: Cam, chè, gỗ đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước; đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của huyện.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang còn chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để tạo mối liên kết bền vững giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp với người sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong đó, UBND huyện thực hiện liên kết, hợp tác với Công ty Cổ phần xuất, nhập khẩu Đồng Giao để bao tiêu sản phẩm dứa cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, xúc tiến, trao đổi, hợp tác với Công ty TNHH Việt Thắng và Công ty Cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa trong việc triển khai cung ứng vật tư nông, lâm nghiệp tại địa bàn huyện với giá ưu đãi; hay việc liên doanh, liên kết giữa Công ty TNHH Trà Hoàng Long với các hộ trồng chè của 3 xã Hùng An, Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Tuy để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng chè...
Người dân xã Quang Minh đưa cơ giới vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. |
Góp thêm kết quả vào bức tranh nổi bật trong phát triển kinh tế chung của huyện, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp được thành lập. Đặc biệt, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp với cách làm sáng tạo của người dân, đem lại thu nhập cao. Ví như, cách khởi nghiệp từ phát triển xưởng may công nghiệp của anh Nguyễn Văn Cường (xã Vĩnh Hảo); dịch vụ lắp đặt điện, nước của anh Đào Đức Thịnh (thị trấn Vĩnh Tuy); sản xuất gạch xi măng tại xã Bằng Hành của anh Nguyễn Văn Đoán... Không những vậy, hiện nay 3 xã: Vĩnh Phúc, Quang Minh, Đồng Yên của huyện đã được công nhận chuẩn tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới (NTM). Trong quý IV năm 2017, Tân Quang sẽ là xã thứ 4 của huyện Bắc Quang phấn đấu về đích NTM. Và đây sẽ là tiền đề để diện mạo nông nghiệp, nông thôn của huyện Bắc Quang thêm phát triển bền vững; góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện vượt mốc 25 triệu đồng/người/năm ở thời điểm hiện tại...
Phát huy những kết quả trên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Trung Hiếu cho biết: Trong thời gian tới, huyện Bắc Quang tiếp tục thực hiện khâu đột phá trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nông thôn. Chú trọng tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo phương châm “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất; đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ chế biến và quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tiếp tục phát triển sản xuất từ bề rộng sang chiều sâu. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất/đơn vị diện tích đất canh tác để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Có thể khẳng định, những kết quả trên đã “tô điểm” cho bức tranh tổng thể trong lĩnh vực phát triển kinh tế của huyện Bắc Quang. Và đó cũng là minh chứng chứng minh vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, cùng sự chung sức, đồng thuận của cả hệ thống chính và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Kết quả này đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện để tiếp tục hun đúc nên những giá trị tốt đẹp, xây dựng Bắc Quang thành huyện phát triển.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc