Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phát triển dược liệu Việt Nam
BHG - Ngày 12.4, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước bàn về công tác phát triển dược liệu của Việt Nam. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trị Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện các công ty, doanh nghiệp, HTX trồng và chế biến dược liệu trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, dự hội nghị có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đại diện một số đơn vị, HTX trồng và chế biến dược liệu trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phát triển dược liệu Việt Nam tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Theo Bộ Y tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Đến nay, đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm. Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng… Quá trình điều tra tổng hợp, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng sử dụng thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng, do ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn so với thuốc hóa dược. Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60 - 80.000 tấn/năm, trong đó phần lớn sử dụng trong sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, trong hệ thống khám chữa bệnh. Phần còn lại dùng cho một số lĩnh vực khác như sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, hương liệu… và xuất khẩu. Theo đánh giá của Bộ Y tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước.
Thảo luận tại Hội nghị các đại biểu đều nhất trí cho rằng: Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chúng ta lại nhập khẩu từ 70 - 80% dược liệu, việc quản lý chất lượng còn bất cập, thiếu hệ thống dữ liệu toàn quốc, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, từ khâu trồng, chế biến đến thị trường, quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài ra, phát triển dược liệu phải gắn với phát triển y học cổ truyền, kết hợp đông y với tây y…
Tham luận với Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: Là địa phương được Ban Bí thư T.Ư nhất trí quy hoạch thành vùng trọng điểm về du lịch và phát triển dược liệu, trong những năm gần đây Hà Giang đã thực hiện theo đúng lộ trình quy hoạch, bước đầu đã thành lập được Hiệp hội dược liệu của tỉnh và toàn tỉnh hiện có nhiều loại dược liệu nằm trong sách đỏ có nguy cơ cần bảo tồn và tiềm năng có những sản phẩm đặc hữu và đánh giá thành công. Hà Giang đã thực hiện tốt việc Quy hoạch, hợp tác liên kết và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu. Để có thể phát triển tiềm năng dược liệu, tỉnh cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai vì cây dược liệu hiện đang đa ngành, đa lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần xem xét việc tổ chức liên kết hội thảo với các cơ quan T.Ư, nhà khoa học để tìm giải pháp và ban hành cơ chế, chính sách; các Bộ, ngành nhanh chóng cho ý kiến kịp thời với sự chủ động của địa phương cũng như tăng cường tập trung liên kết với các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển dược liệu của các tỉnh và có chính sách mạnh hơn cho tiểu vùng, liên vùng phải có những nhà máy chế biến vì chuỗi giá trị không đi vào người nông dân, để người trong vùng được thụ hưởng cao hơn…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư xây dựng chính sách đặc thù phát triển công nghiệp dược liệu. Các địa phương đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư đưa nhà máy chế biến dược liệu vào vùng có quy mô sản xuất lớn. Giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ liên quan xây dựng vùng trọng điểm dược liệu, chú trọng nguồn gien… có hỗ trợ, tác động xây dựng những bài thuốc hay cổ truyền, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích với những vùng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về cây dược liệu; lựa chọn những cây đặc hữu đặc biệt quý hiếm xây dựng thương hiệu coi là sản phẩm quốc gia và xây dựng cơ chế ưu đãi quốc gia tại các vùng, miền trong nước; Tăng cường liên kết “5 nhà” trong phát triển dược liệu, triển khai chương trình y dược cổ truyền với hiện đại; lựa chọn 100 loại cây dược liệu trong danh mục để mở rộng thị trường và thúc đẩy vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Kiện toàn bộ máy và nhân lực quản lý, điều hành, giao nhiệm vụ bố trí nhân lực về quản lý dược liệu từ Bộ, ngành tới địa phương. Đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo cán bộ y học cổ truyền, dược liệu tại các trường, chú trọng quảng bá dược liệu và tác dụng, hiệu quả… thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong phát triển dược liệu.
Tin, ảnh: Phi Anh
Ý kiến bạn đọc