Một số tham luận tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 2
Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND để làm rõ thêm vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm
Trần Đăng Ninh
(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)
...Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm. Để có được phiên giải trình hiệu quả, thiết thực thì việc lựa chọn những vấn đề cần giải trình là hết sức quan trọng. Đó là các vấn đề nóng, phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm, còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết. Các vấn đề cần được giải trình được Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại các phiên giao ban tuần, sau khi thống nhất, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị yêu cầu báo cáo về các vấn đề giải trình, báo cáo gửi về Thường trực HĐND tỉnh trước phiên họp từ 5 - 7 ngày.
Đối với những nội dung tiếp tục trao đổi tại phiên họp được gửi đến các thành viên Thường trực, thành viên của các Ban để nghiên cứu, tham khảo, trên cơ sở đó chủ động trao đổi, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành phải giải trình tại phiên họp. Từ những phiên giải trình này, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan chính quyền, tạo ra sự thay đổi trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính Nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền.
HOÀNG NGỌC (Lược ghi)
Cần sớm ban hành các quy định về công tác phối hợp và trình tự,thủ tục tiến hành hoạt động giám sát của HĐND
Giàng Thị Hoa
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm ban hành quy định về công tác phối hợp và trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, trong đó cần quy định cụ thể về:
Trình tự, thủ tục và tiêu chí lựa chọn nội dung, số lượng chuyên đề đưa vào chương trình giám sát hàng năm; quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành nghị quyết, kế hoạch triển khai, công tác phối hợp thực hiện chương trình giám sát hàng năm.
Trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết sau chất vấn; việc đánh giá kết quả tổ chức phiên họp chất vấn; việc đánh giá báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết sau chất vấn tại mỗi kỳ họp.
Trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các đoàn giám sát; phạm vi, trách nhiệm tham gia, phối hợp trong hoạt động giám sát; quy trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo; quy trình, thủ tục ban hành nghị quyết về kết quả giám sát; thẩm quyền quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ban HĐND.
Trình tự, thủ tục tiến hành giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Quy trình, thủ tục, phương thức tổ chức giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát thường xuyên.
Phạm vi, trình tự, thủ tục, tiêu chí, phương thức, nguyên tắc chỉ đạo, điều hành, trách nhiệm phối hợp của các Ban HĐND, Văn phòng HĐND trong hoạt động giám sát.
Văn Quân (Lược ghi)
Tăng cường giám sát trước và sau mỗi kỳ họp
Từ Minh Hải
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang
...Trước và sau mỗi kỳ họp, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch giám sát (GS), Thường trực, các Ban HĐND tỉnh ban hành quyết định thành lập đoàn GS; xây dựng kế hoạch chi tiết, đề cương từng cuộc GS gửi trước 15 ngày để các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tài liệu, báo cáo có liên quan. Nội dung, hình thức GS nhất thiết phải được cải tiến để nâng cao hiệu quả GS. Các kết luận GS phải đánh giá đầy đủ, cụ thể theo từng vấn đề về kết quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp và các cơ quan chức năng; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết của HĐND tỉnh tại địa phương; đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.
Cùng với hoạt động GS trực tiếp theo kế hoạch hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh cần chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu tổ chức các hoạt động GS gián tiếp thông qua báo cáo, nắm bắt tại cơ sở, khảo sát chuyên đề để nắm thông tin thêm phục vụ hoạt động của HĐND. Tại các cuộc họp Thường trực HĐND tỉnh thường kỳ hàng tháng có lựa chọn các ngành, lĩnh vực còn có nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri quan tâm; mời lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan đến dự họp để báo cáo, giải trình về tiến độ giải quyết các kiến nghị của cử tri và kết luận chất vấn tại các kỳ họp, kiến nghị sau các cuộc GS của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh...
HOÀNG NGỌC (Lược ghi)
Nhiều chính sách đặc thù đã được ban hành sau kết luận và kiến nghị của các Đoàn giám sát HĐND tỉnh
Đoàn Đức Long
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu
...Nhìn chung, các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh Lai Châu đã được lựa chọn sát với thực hiện nhiệm vụ KT-XH, bảo đảm QP-AN của tỉnh. Quá trình thực hiện đã quan tâm đến các ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo đúng quy định, trách nhiệm. Hình thức và phương pháp giám sát chuyên đề từng bước được đổi mới, từ khâu xây dựng, ban hành quyết định, chương trình, kế hoạch giám sát, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát đến kết luận và kiến nghị giám sát.
Có thể khẳng định rằng, với kết quả của hoạt động giám sát chuyên đề đã tạo tiền đề để HĐND tỉnh Lai Châu ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh, được một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn quan tâm và có những đánh giá tốt, như: Chính sách thu hút đầu tư; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, quy định chính sách hỗ trợ học nghề nội trú đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu không được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 20.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ... đã góp phần cùng với hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước tác động mạnh mẽ, thường xuyên vào sự ổn định và phát triển toàn diện của tỉnh, tạo điều kiện để tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển, vươn lên mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc.
Văn Quân (Lược ghi)
Ý kiến bạn đọc