Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại huyện Vị Xuyên
BHG - Ngày 21.2, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vị Xuyên. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và các ngành Nông nghiệp – PTNT, Tài nguyên – Môi trường, Khoa học – Công nghệ nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Đề án tái cơ câu ngành nông nghiệp; tiến độ sản xuất vụ Đông – Xuân; kế hoạch đột phá về khoa học công nghệ và lĩnh vực tài nguyên trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại buổi làm việc. |
Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Vị Xuyên đã có những chuyển biến cơ bản, các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được lựa chọn tập trung phát triển, khoa học công nghệ được đẩy mạnh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất, chăn nuôi tăng, các chương trình, đề án sản xuất hàng hóa được triển khai hiệu quả và từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung như Cây cam ở xã Trung Thành, Việt Lâm, thị trấn Việt Lâm; Lúa chất lượng cao tại xã Đạo Đức, Việt Lâm; Mía đường tại xã Ngọc Linh… Toàn huyện có 356 gia trại, giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 54,93 triệu đồng/ha. Đến nay, huyện Vị Xuyên có 39 HTX nông nghiệp, 215 Tổ hợp tác và 15 nhóm sở thích. Toàn huyện có 617,8 ha cam, trong đó có 45,4 ha cam VietGAP; 3.627,7 ha chè và 2.523,9 ha cây dược liệu. Cũng trong năm 2016, Vị Xuyên đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực Nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 16.485 ha tăng 3,26% so cùng kỳ năm 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 54.502,4 tấn, tăng 1.310,4 tấn. Các mô hình nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như Mô hình trồng dứa tại xã Phong Quang, Mô hình trồng rau trong nhà lưới, mô hình trồng mía hàng hóa liên kết với công ty mía đường Tuyên Quang... Tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Xuất bán được 963 tấn trâu, bò hơi; 3.961 tấn lợn hơi; 974 tấn gia cầm. Công tác trồng rừng tiếp tục được chú trọng, năm 2016 trồng mới là 1.102,7/500ha đạt 220,5%KH, triển khai 2 mô hình trồng rừng chất lượng cao tại xã Đạo Đức và thị trấn Vị Xuyên với quy mô 5 ha. Lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường được quan tâm chỉ đạo, trong năm không để xảy ra tình trạng tồn đọng hồ sơ đất đai. Công tác quản lý khai thác khoảng sản làm vật liệu thông thường được huyện thực hiện quyết liệt, đến nay cơ bản đã không còn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép. Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo kịp thời.
Đại biểu dự buổi làm việc đã tập trung thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cánh đồng mẫu; vấn đề phát triển HTX, tổ chức lại sản xuất cho nông dân; thực hiện đầu tư thu hồi tái đầu tư; dồn điền đổi thửa; thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Các chính sách về phát triển lâm nghiệp; công tác phòng, chống cháy rừng; chuyển đổi, phát triển rừng; phát triển trang trại, gia trại; rau an toàn công nghệ cao. Về lĩnh vực khoa học công nghệ cần đánh giá về cán bộ; những đề xuất, kiến nghị về lĩnh vực khoa học công nghệ. Những vướng mắc trong tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai, khó khăn trong việc cấp Giấy phép sử dụng đất lần đầu; việc quy hoạch và quản lý sau quy hoạch; quản lý đất đai, quản lý lãnh thổ; những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; khai thác và quản lý khoáng sản…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Minh Tiến đề nghị: Để phát huy những kết quả đã đạt được, tháo gỡ khó khăn, huyện cần tiếp tục tìm được sản phẩm riêng biệt, đặc thù mang thương hiệu của huyện; trong sản xuất nông, lâm nghiệp huyện cần có sự chuyển biến từ bề rộng sang bề sâu, lấy thu nhập của người dân làm trọng. Tiếp tục chỉ đạo sâu sát việc sản xuất vụ Đông – Xuân; BTV Huyện ủy cần rà soát kỹ lưỡng, đánh giá nguyên nhân, yếu tố tác động trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đề ra kế hoạch cụ thể để khắc phục hiện tượng này trên địa bàn huyện; rà soát, đánh giá các doanh nghiệp liên kết trong thời gian qua, lựa chọn doanh nghiệp đủ mạnh để làm nổi bật một sản phẩm đặc trưng của huyện với quy mô lớn, mang tính bứt phá; rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ làm công tác nông, lâm nghiệp để sử dụng một cách hiệu quả nhất; phối hợp nguồn lực với Sở Nông nghiệp – PTNT đẩy mạnh đề án công nghệ cao; phát triển rừng kinh tế và hỗ trợ sản xuất cho nông dân… Các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với huyện đột phá về lĩnh vực Nông nghiệp – PTNT, Khoa học – Công nghệ, Tài nguyên – Môi trường…
An Dương
Ý kiến bạn đọc