Nâng tầm đối ngoại để "đón đầu" hội nhập
Xuân 2017 - Mỗi độ Xuân về trên quê hương cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc càng trở nên ý nghĩa. Bởi mùa Xuân không chỉ khởi đầu cho những thắng lợi mới mà còn tô đậm thành quả một năm qua của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên lộ trình phát triển toàn diện, khẳng định vị trí thành trì vững mạnh của Tổ quốc nơi biên cương. Và một trong những hoạt động tạo nên thành quả quan trọng ấy không thể thiếu hiệu quả từ công tác đối ngoại địa phương.
Phụ nữ Hà Giang và Đại sứ quán một số nước ASEAN tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm “Hội nhập Quốc tế toàn diện và vai trò của cán bộ nữ địa phương” (tổ chức tháng 5.2016 tại TP. Hà Giang). |
Mối quan hệ song phương ASEAN – Trung Quốc được thiết lập đã trải qua chặng đường 25 năm (1991-2016) phát triển trên quan hệ đối tác chiến lược, đối thoại và hợp tác bình đẳng. Trong đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc... Nhằm tiếp tục đóng góp cho mối quan hệ trên, cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã tích cực tham gia hội nhập quốc tế. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, ... phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của đất nước và của tỉnh. Mặt khác, năm 2016, trong 5 thỏa thuận quốc tế của tỉnh được ký kết thì có 4 thỏa thuận được ký với đối tác của nước bạn Trung Quốc, tiêu biểu như: Biên bản ghi nhớ về xây dựng cặp chợ biên giới Lũng Làn (Việt Nam) – Lộng Bình (Trung Quốc), hay Thỏa thuận giữa UBND tỉnh Hà Giang và TP. Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) về hợp tác bồi dưỡng cán bộ, giao lưu thể thao và thỏa thuận xây dựng cơ sở thí điểm sản xuất cà chua tiêu chuẩn, ... Đồng thời, tỉnh ta cũng duy trì hiệu quả 6 thỏa thuận quốc tế khác như: Thỏa thuận hợp tác giữa Tỉnh ủy Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam với Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay Thỏa thuận Quản lý lao động qua biên giới được ký kết giữa UBND tỉnh Hà Giang và Chính phủ Nhân dân châu Văn Sơn (Vân Nam – Trung Quốc), ...Đặc biệt, xác định nhiệm vụ đối ngoại là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm (giai đoạn 2015-2020) nhằm hướng tới mục tiêu: “Hà Giang hội nhập và phát triển bằng hoạt động đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại”, trong năm 2016, tỉnh ta tích cực, chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại quốc tế. Điển hình như: Tham dự Hội chợ xuất, nhập khẩu hàng hóa Côn Minh (Vân Nam – Trung Quốc) và Hội chợ quốc tế ASEAN – Trung Quốc. Đồng thời, tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế và Hội nghị Xúc tiến thương mại biên giới (tại TP. Hà Giang). Riêng tại hội nghị này, 10 doanh nghiệp Việt Nam và 12 doanh nghiệp Trung Quốc đã ký kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về phát triển kinh tế biên giới, với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng. Không những vậy, kết quả hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh ta còn có nhiều khởi sắc. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất, nhập khẩu đạt 775,194 USD (tăng 4,614 lần so với cùng kỳ) và đạt 251,7% so với kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 23,349 triệu USD, tăng 11,89% so với cùng kỳ năm 2015, ... Đặc biệt, tỉnh ta đã thu hút được 5 dự án sử dụng vốn Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ. Mặt khác, tiếp tục quản lý và thực hiện tốt 25 dự án (đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật) sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Đến tháng 10.2016, trên địa bàn tỉnh đã thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 7.188 triệu USD (tương đương 143.762 tỷ đồng).
Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu thanh niên biên giới Hà Giang – châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc), tuổi trẻ hai bên tham gia thả cá bảo vệ môi trường, tại sông Lô, đoạn qua TP. Hà Giang (tháng 10.2016). |
Song song với kết quả trên, tỉnh ta đặc biệt coi trọng việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa và bước đầu gắn kết với ngoại giao chính trị. Trong đó, tỉnh ta đã tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ của một số dân tộc địa phương nhân dịp đoàn công tác của Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây – Trung Quốc) thăm và làm việc tại Hà Giang (tháng 4.2016). Hoặc giới thiệu Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tới đoàn công tác của các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế khi đến thăm và làm việc tại tỉnh. Đồng thời, khéo léo lựa chọn sản phẩm thủ công truyền thống mang tính đặc trưng, độc đáo của đồng bào các dân tộc Hà Giang làm quà tặng cho các đoàn khách nước ngoài. Qua đó, góp phần giới thiệu hình ảnh về mảnh đất, con người Hà Giang đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Không những vậy, tỉnh ta còn tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang – Việt Nam) và Khu thắng cảnh Thạch Lâm (Vân Nam – Trung Quốc). Trên cơ sở này, hai bên cùng tham gia hoạt động quảng bá du lịch, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin du lịch, ...đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi và cùng phát triển...
Có thể khẳng định, xuyên suốt năm 2016, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đúng, trúng của BTV Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã đưa Hà Giang vững bước trên lộ trình hội nhập và phát triển bằng hoạt động đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại. Trên cơ sở đó, không chỉ thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ Quốc gia.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc