Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại tỉnh ta
BHG- Trong 2 ngày 8 và 9.11, Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại các đơn vị, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vị Xuyên và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Giang (TPHG) và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang nhằm khảo sát thí điểm tổ chức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT - XH) cấp huyện. Dự và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang; Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên; lãnh đạo Thành ủy cùng lãnh đạo các tổ chức CT - XH.
Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc tại huyện Vị Xuyên. |
Tại huyện Vị Xuyên và TPHG, đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã được nghe báo cáo đánh giá tình hình phát triển KT - XH; báo cáo tổ chức và hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT - XH của huyện, thành phố. Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp của 2 địa phương và các tổ chức thành viên đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân học tập. Các phong trào, cuộc vận động được triển khai đến các tầng lớp nhân dân thực hiện tương đối đồng bộ và hiệu quả. Công tác tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền được nâng cao và phát huy hiệu quả tích cực. Nhiều cán bộ công tác ở MTTQ và các tổ chức CT - XH rèn luyện, phấn đấu tốt đã trưởng thành được Cấp ủy luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm ở các cương vị công tác cao hơn… Tại các buổi làm việc, các đại biểu của huyện Vị Xuyên và TPHG đã tham gia ý kiến, làm rõ thêm về việc thực hiện mô hình nhất thể hóa tinh gọn các chức danh không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn và cấp thôn bản, tổ dân phố; Phó MTTQ và các tổ chức CT - XH cấp xã, phường, Trưởng ban công tác Mặt trận và các chi hội trưởng các thôn bản, tổ dân phố kiêm nhiệm thêm từ 1 đến 2 chức danh. Đặc biệt, các đại biểu cũng kiến nghị với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như: thành lập văn phòng chung của khối đoàn thể cấp huyện; có hướng dẫn cụ thể trong việc cấp và sử dụng kinh phí; giữ nguyên bộ máy Mặt trận và các tổ chức CT - XH như hiện nay…
Làm việc tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn công tác được biết năm 2016, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT – XH các cấp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, chăm lo củng cố tổ chức, phát triển thành viên, đoàn viên, hội viên, xây dựng cốt cán, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ. Công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức CT - XH khi thực hiện chương trình, kế hoạch; đặc biệt, các chương trình liên tịch giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên với ngành Công an cũng được đẩy mạnh, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng; trong đó tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đề cao vai trò giám sát đối với hoạt động của cán bộ, công chức… Các đại biểu đã thảo luận các nội dung xoay quanh mô hình hợp khối cũng như đề xuất các nội dung liên quan như: tên gọi sao cho phù hợp; mỗi đoàn thể đều có những đối tượng riêng nên vẫn phải tách rời; các đối tượng khác nhau; do đó, cần có sự thống nhất; thay đổi điều lệ luật cần phải tính sao cho phù hợp…
Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương sự trao đổi thẳng thắn của các đại biểu và đánh giá cao chủ trương của tỉnh đã tính đến việc làm thế nào để hợp nhất, hợp khối ở cấp huyện, thành phố. Mô hình này sẽ có những thuận lợi, có điểm mạnh như: giảm được biên chế, giảm được đầu mối và tăng cường được vai trò lãnh đạo tập trung hơn, tạo ra sức mạnh tổng hợp hơn, khắc phục một số vấn đề chồng chéo. Tuy nhiên, mô hình này cũng có những khó khăn cần có những bước đi thận trọng, phải khảo sát, nghiên cứu kỹ để xây dựng đề án. Khi hợp nhất các chức năng nhiệm vụ của cán bộ, cần đánh giá mức độ hợp nhất đến đâu; tổng kết đánh giá qua từng giai đoạn; khi đặt tên cho mô hình phải thể hiện được sự bao quát của 6 tổ chức khi thực hiện các nhiệm vụ chức năng chung; phân công hoạt động trong bộ máy, từng lĩnh vực cụ thể.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc