Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến làm việc tại huyện Hoàng Su Phì
BHG- Chiều 21.11, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì về tiến độ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo các xã, thị trấn là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện Hoàng Su Phì.
Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì báo cáo tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tới Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến. |
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Hoàng Su Phì đã lựa chọn 3 cây: Chè, đậu tương, dược liệu và 3 con: Trâu, bò, dê. Đến nay, diện tích chè của huyện Hoàng Su Phì có trên 4.500ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.253ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 12.900 tấn, sản lượng chế biến trên 2.570 tấn; có 625ha chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ. Huyện đã kiện toàn được 4 HTX thực hiện theo Luật HTX 2012. Có 14 hộ dân đăng ký vay vốn theo Nghị quyết 209 để trồng mới chè và xây dựng, nâng cấp nhà máy chế biến chè với số vốn trên 2,1 tỷ đồng. Với cây dược liệu, Hoàng Su Phì đã xây dựng Kế hoạch phát triển cây dược liệu của huyện đến năm 2020 với mục tiêu trồng mới khoảng 50ha tập trung vào các cây: Ấu tẩu, tam thất, chè rừng, xuyên khung; phối hợp với công ty Y học bản địa Việt Nam xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2020; có 4 hộ dân đăng ký vay vốn trồng 6,5ha dược liệu theo Nghị quyết 209 với số vốn 160 triệu đồng… Về chăn nuôi, hiện nay đàn trâu, bò của huyện có trên 27.700 con; dê trên 22.290 con. Trong năm 2016 đã có 132 hộ được giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 209 để mua trâu, bò phát triển chăn nuôi với số vốn vay 10,665 tỷ đồng. Huyện Hoàng Su Phì đã ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi dê và giải ngân được cho 103 hộ vay trên 3,5 tỷ đồng… Bên cạnh đó, huyện Hoàng Su Phì cũng đã triển khai thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò; đào tạo nghề cho các hộ vay vốn theo Nghị quyết 209; hỗ trợ người dân mua máy làm đất, máy tuốt lúa để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì và một số xã, thị trấn của huyện đã giải trình một số cách làm, chính sách hỗ trợ của huyện đang thực hiện nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời đề xuất tỉnh có thêm một số chính sách như hỗ trợ vốn vay cho phát triển chăn nuôi dê, lợn, gà với số lượng lớn; hỗ trợ phát triển cây nghệ… Đồng thời lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng trao đổi, trả lời một số nội dung thuộc lĩnh vực mà các đại biểu thảo luận.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho rằng huyện Hoàng Su Phì đã triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu có sự chắc chắn, sáng tạo, linh hoạt. Tuy nhiên, tư tưởng, mục tiêu của đề án chưa được huyện tuyên truyền xuyên suốt, rõ ràng; chưa tận dụng hết cơ hội trong các bước tổ chức thực hiên; huyện chưa có sản phẩm nào là đặc trưng riêng có của huyện… Đồng thời nhấn mạnh, Đề án là cơ hội cho địa phương phát triển kinh tế vì vậy Đảng bộ huyện cần nghiên cứu và tận dụng chính sách của tỉnh để tạo đà, tiềm lực cho người dân phát triển. Để làm được điều này, đồng chí Nguyễn Minh Tiến gợi ý: Huyện Hoàng Su Phì cần rà soát lại Đề án của tỉnh sau đó soạn lược ngắn gọn lựa chọn những sản phẩm mà huyện làm được, để chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Trong tổng số các sản phẩm, nên lựa chọn trâu bò, dược liệu, chè để thực hiện, trong đó lựa chọn ưu tiên tập trung vào cây chè và trâu, bò đê thực hiện làm trước bứt phá đi lên, không thực hiện dàn trải. Riêng cây chè, nên đi nghiên cứu học tập kinh nghiệm và tìm hướng phát triển bứt phá, nhất là liên kết trong sản xuất và tập trung vào cây chè hữu cơ. Nên lựa chọn xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đậu tương. Căn cứ Đề án, chính sách, hết sức linh hoạt, chủ động, tập trung lãnh chỉ đạo phát triển…
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc