Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân
Ngày 24-10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đấu giá tài sản của Ủy ban Thường vụ QH và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại biểu QH thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ĐĂNG KHOA |
Đấu giá tài sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật
Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản, trong quá trình xin ý kiến góp ý, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác. Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không bảo đảm linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Do vấn đề này còn có các ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đề xuất hai phương án để xin ý kiến các vị đại biểu QH.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu QH nhất trí với phương án 1 do dự thảo Luật đề xuất, đó là: Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Tại khoản 9 Điều 4 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do vậy, để bảo đảm tính phổ quát xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV, bao gồm: Điều 64 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và Điều 65 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong trường hợp tự đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định về đối tượng áp dụng, về tài sản đấu giá...
Nhiều ý kiến góp ý về các quy định đối với đấu giá viên. Theo đó, các tiêu chuẩn của đấu giá viên như dự thảo Luật đưa ra về bằng cấp, thời gian làm việc, thời gian đào tạo chuyên ngành... còn cao so với thực tế, khó áp dụng trong điều kiện hoạt động hiện nay của công tác đấu giá tài sản, để áp dụng được cần phải có lộ trình. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc các quy định về đấu giá viên để sửa đổi hợp lý hơn.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo giải trình thêm các thông tin và trao đổi ý kiến với các đại biểu QH về những nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý kiến. Đồng thời nêu rõ, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu tất cả các ý kiến góp ý, nhất là những ý kiến cụ thể vào từng điều khoản của các đại biểu để xem xét, chỉnh lý phù hợp.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều đại biểu cho rằng, những nội dung quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và sự tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trong dự thảo Luật đã thể hiện sự tương xứng và cụ thể. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định Nhà nước đình chỉ hoạt động của tổ chức tôn giáo nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, theo hướng cơ quan nào cấp phép hoạt động thì cơ quan đó có trách nhiệm đình chỉ hoạt động.
Về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài, một số đại biểu đề nghị, quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đó, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử. Tuy nhiên, cần thông báo cho UBND tỉnh nơi tổ chức để bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với hoạt động này.
Một số đại biểu cho rằng, về hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo phù hợp năng lực, đường hướng hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống xã hội. Những vấn đề cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục... để tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động này cần tuân thủ pháp luật chuyên ngành để tạo điều kiện thuận lợi, tránh chồng chéo.
Thảo luận về cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, có ý kiến cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán. Bởi vì, hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp, vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn phân tán, thiếu đồng bộ và chưa hiệu quả. Đề nghị nghiên cứu quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở T.Ư để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tham gia giải trình, làm rõ thêm các nội dung được đại biểu QH quan tâm.
Thực tiễn cho thấy, một số cuộc bán đấu giá tài sản, nhất là bất động sản có dấu hiệu bị chi phối bởi một nhóm đối tượng và chúng ta quen gọi là "cò", mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá để chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lời bất chính, vô hiệu hóa các quy định pháp luật của Nhà nước. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào những quy định mới đột phá của dự thảo. Tuy nhiên, không chắc chắn những quy định này sẽ triệt tiêu hoàn toàn nạn "cò" trong bán đấu giá tài sản. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá… Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) Đề nghị bổ sung chi tiết hơn, cụ thể hơn quy định về những trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản nhằm tránh việc thông đồng dìm giá, một bài toán rất nan giải hiện nay. Để lành mạnh, minh bạch hóa hoạt động bán đấu giá khi chúng ta xây dựng dịch vụ bán đấu giá chuyên nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất việc thông đồng dìm giá là rất quan trọng. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) Các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra động cơ đưa thông tin không chính xác trong vụ việc nước mắm nhiễm thạch tín vượt ngưỡng vừa qua. Cần làm rõ nguồn gốc, nguyên nhân, nơi phát ra thông tin này. Bên cạnh đó, cần điều tra làm rõ những tác hại tiêu cực của thông tin để có hình thức xử lý nghiêm minh. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) |
nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc