Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang: Mười năm xây dựng và phát triển!
BHG- Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Hà Giang được thành lập năm 2006, trên cơ sở Sở Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hoá - Thông tin theo Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang. Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, chặng đường tuy chưa dài, song Sở đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của mình và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay, cơ sở vật chất của sở đã cơ bản được trang bị đầy đủ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy được bổ sung và kiệm toàn; đội ngũ cán bộ có tuổi đời trẻ, được đào tạo cơ bản.
Đến nay, mạng bưu chính được duy trì và phát triển rộng khắp, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, triển khai các dịch vụ mói tiện ích phục vụ đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát, duy trì hoạt động 176 điểm phục vụ trong toàn tỉnh. Mạng lưới viễn thông năm 2006 toàn tỉnh chỉ có 86 trạm BTS, đến nay đã phát triển đến 1.085 trạm, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được phủ sóng thông tin di động, 100% các xã có mạng lưới thông tin di động và cố định. Hiện tổng số thuê bao điện thoại đạt 70,4 máy/100 dân; Thuê bao intenet đạt 8,6 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98% toàn tỉnh; Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%; Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100 %; Tỷ lệ hộ được xem truyền hình 86% và Hà Giang đã đưa sóng truyền hình địa phương phát qua vệ tinh VINASAT 1…Xác định công tác quy hoạch ngành có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý, Sở TT&TT đã chủ động tham mưu, trình lãnh đạo tỉnh xây dựng Quy hoạch ngành BCVT và CNTT đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và gần đây là xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Hà Giang đến 2020, tầm nhìn 2030 nhằm tiến tới xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hà Giang .
Các chương trình dự án về ứng dụng phát triển CNTT được triển khai tích cực và có hiệu quả, trong đó chú trọng việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT đã tác động đến việc nâng cao năng suất, hiệu quả công việc và quản lý điều hành. Tỉnh đã đưa Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công đi vào hoạt động, đây là kết quả của sự quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, công khai công bố kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến người dân và doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hà Giang. Hiện trạng mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index 2015, tỉnh Hà Giang xếp thứ 13/63 tỉnh thành trong cả nước.
Cùng với đó, nhiều phần mềm được triển khai trong các cơ quan nhà nước, tất cả các sở, ban, ngành và UBND các huyện,thành phố đều có mạng LAN và kết nối Internet, đã lắp đặt mạng cáp quang kết nối đến hầu hết tất cả các xã trên địa bàn tỉnh .
Đặc biệt, sau khi tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về báo chí và xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời chỉ đạo sâu sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác quản lý Nhà nước về báo chí xuất bản, thúc đẩy phát triển sự nghiệp báo chí - xuất bản trên địa bàn… các cơ quan báo chí - xuất bản trên địa bàn đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, hoạt động báo chí - xuất bản ngày càng đi vào nề nếp. Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, lãnh đạo Sở luôn quan tâm củng cố xây dựng chi bộ và các tổ chức đoàn thể vững mạnh, tham gia tốt các phong trào hoạt động xã hội, từ thiện và các phong trào văn hoá, xã hội khác một cách có hiệu quả. Đến nay, đơn vị đã được công nhận là đơn vị văn hóa, chi bộ thường xuyên đạt chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biêu; các tổ chức đoàn thể hàng năm đều được công nhận vững mạnh xuất sắc.
Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, tiếp tục bám sát Quy hoạch và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Sở sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch, kế hoạch định hướng cho sự phát triển ngành trong giai đoạn mới. Tập trung chỉ đạo, xây dựng Quy hoạch phát triển Báo chí tỉnh Hà Giang đến năm 2020. Đề án, xây dựng Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành tỉnh Hà Giang giai đoạn (2016-2020). Phấn đấu đến năm 2020, 100% các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất; 100% Sở, ban, ngành, huyện, thành phố có mạng thông tin diện rộng của tỉnh; 100% các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, bệnh viện và các trường trung học cơ sở ở đô thị có mạng LAN và được kết nối Internet băng rộng; 100% các trường trung học cơ sở ở các xã, 90% các xã miền núi được kết nối Internet; 30-50% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong giao dịch. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng bưu chính, viễn thông có công nghệ hiện đại ngang tầm với các tỉnh trong cả nước; doanh thu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Phát triển mạng lưới, điểm phục vụ bưu chính, viễn thông đạt mức bình quân dưới 2,3 km/điểm, đảm bảo trên 2/3 xã có thư, báo đến trong ngày, 100% số xã có điểm truy cập dịch vụ điện thoại, 50% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng. Phấn đấu đến cuối tháng12/2016 hoàn thành 195 xã/195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang có trang WEB đi vào hoạt động theo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh hướng tới cơ sở. Nhằm tăng cường sự tương tác, liên kết, tich hợp thông tin trong giao dịch điên tử phục vụ có hiệu quả, kịp thời công tác thông tin, tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giải quyết công việc của đội ngũ các bộ cấp xã trong tỉnh .
Để phấn đấu tạo nên bước phát triển mới trên lĩnh vực thông tin và truyền thông của tỉnh trong giai đoạn mới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo,về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan trực thuộc Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng và triển khai đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch của ngành; duy trì ổn định và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông cả ở cấp tỉnh và cấp huyện; thường xuyên quan tâm cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý nhà nước; phối hợp các cơ quan tuyên truyền công bố công khai các Quy hoạch của ngành, từng bước triển khai, đưa quy hoạch vào thực tiễn; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Nguyễn Văn Tuệ (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TT – TT)
Ý kiến bạn đọc