Hòa quyện "dòng chảy" xưa và nay
BHG - Trong không khí thi đua lao động sản xuất và các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thiết thực chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập và 25 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Giang, chúng tôi may mắn có khoảng thời gian quý giá trò chuyện với các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ và những lão thành cách mạng đã cống hiến suốt cuộc đời cho Hà Giang phát triển để thấy được sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Bên chén trà nóng của những ngày tháng Tám lịch sử, ông Triệu Đức Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhớ về những tháng ngày đi bộ xuyên rừng để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa: “Trước đây, giao thông chưa phát triển, chúng tôi đi công tác phải vượt núi, đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến các xã, các thôn khó khăn; phần lớn đồng bào không biết tiếng phổ thông; không có điện thắp sáng, đói nghèo có mặt khắp nơi... Nhưng nay, đường ô-tô đã về tận trung tâm xã; tất cả các thôn bản đều có điểm trường, phần lớn người dân đều sử dụng điện lưới Quốc gia; các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, chú trọng; ánh sáng văn minh đã đến mọi nhà. Đặc biệt chương trình xây dựng Nông thôn mới đã thực sự làm thay đổi bộ mặt của nông thôn Hà Giang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững; trình độ nhận thức, hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao.
Đoàn cán bộ lão thành tham quan và nghe giới thiệu về Khu công nghiệp Bình Vàng. |
Góp vào câu chuyện về sự phát triển của Hà Giang hôm nay, ông Hạng Mí De, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhớ lại: “Bên cạnh sự đổi thay mạnh mẽ về cơ sở vật chất thì giáo dục thực sự đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng; nhiều trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp, chuyển lớp, chuyển trường, đậu vào các trường chuyên nghiệp đều tăng”.
Sự phát triển của Hà Giang hôm nay được minh chứng bằng những thành tựu ấn tượng trong nhiệm kỳ 2010 - 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn đạt 8,8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 17,64 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.550 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.923 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.500 tỷ đồng; bình quân lương thực đầu người 500kg/người/năm; 100% các xã có trường học trung tâm được đầu tư xây dựng kiên cố; 67,7% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,72%/năm. Trong tổng số 100 chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu chi tiết Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, có 46 chỉ tiêu đạt và vượt, 34 chỉ tiêu đạt trên 50%. Hết năm 2015 có 11/177 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới.
Chia sẻ về những thành tựu của ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Chung, 88 tuổi (cán bộ lão thành phường Minh Khai, Tp Hà Giang) bày tỏ xúc động: “Thế hệ chúng tôi đã nỗ lực để khắc phục khó khăn, từng bước đưa Hà Giang từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu tiến nhanh trên con đường phát triển và hội nhập. Tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh tiếp tục quan tâm có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực, phù hợp, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Hàng năm, Thường trực Tỉnh ủy đều tổ chức các buổi gặp mặt các cán bộ lão thành chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ để thông báo tình hình phát triển KT - XH, ANQP trên địa bàn, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các bậc lão thành để bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của tỉnh một cách đầy đủ, thiết thực hơn. Tại các buổi gặp mặt, các đồng chí: Hoàng Minh Nhất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Trọng Quý, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh... đều bày tỏ sự vui mừng, phấn phởi khi được chứng kiến sự đổi thay trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế tồn tại đòi hỏi BTV Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo, giải quyết tốt hơn trong thời gian tới. Còn nhớ trong chuyến công tác cùng các cán bộ lão thành chủ chốt của tỉnh đi tham quan các mô hình kinh tế và cơ sở phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2012, ông Vừ Mí Kẻ, nguyên đại biểu Quốc hội từ khóa II đến Khóa VII, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Hà Tuyên chia sẻ: “Các công trình thủy điện đang mang lại sự chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Các điểm quy tụ dân cư được đầu tư bài bản, nhiều mô hình kinh tế phát triển, đời sống của người dân đang ngày được nâng lên... Tuy nhiên đời sống của người dân một số xã biên giới còn khó khăn, một số nhà máy khai thác và sản xuất khoáng sản đang gây sạt lở và ô nhiễm môi trường, chưa có sự tái đầu tư thỏa đáng. Phát triển kinh tế cần đầu tư có trọng điểm, hiệu quả, tránh dàn trải và lãng phí để Hà Giang thực sự phát triển bền vững”.
Những câu chuyện về chặng đường phát triển của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các bậc lão thành cách mạng. Thế hệ trẻ Hà Giang hôm nay nguyện tiếp bước các thế hệ đi trước, đem hết tài năng, nhiệt huyết tuổi trẻ và trách nhiệm của mình để cống hiến, tiếp tục đưa Hà Giang tiến nhanh trên con đường phát triển.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc